Mẹo đơn giản lọt top 0,1% người cao điểm nhất tại kỳ thi đánh giá năng lực

Ứng Hà Chi
06/07/2022 - 07:20
Nhờ những bí quyết học tập khoa học đã giúp Phùng Anh Tuấn đạt được điểm số cao trong kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Vừa qua, em Phùng Anh Tuấn, 18 tuổi, học sinh trường THPT Quảng Oai (huyện Ba Vì, Hà Nội) vinh dự đạt số điểm 120/150 trong kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Số điểm của Anh Tuấn lọt top 0,1 thí sinh có kết quả cao nhất trong tổng số thí sinh dự thi cùng kỳ.

Được biết Anh Tuấn nhiều năm liền là học sinh xuất sắc. Đặc biệt, em còn đạt giải Ba kỳ thi HSG cấp thành phố môn Tiếng Anh trong năm học vừa qua. Để đạt được thành tích học tập ấn tượng như vậy, em đã có cho mình những phương pháp học tập cũng như phương pháp luyện thi một cách khoa học.

MUỐN ĐẠT ĐIỂM CAO, BỎ TÚI NGAY 3 BÍ KÍP LÀM BÀI 

Anh Tuấn chia sẻ, khi biết được kết quả kỳ thi ĐGNL, em cảm thấy ngạc nhiên và bất ngờ vì lúc đầu, em không đặt nhiều kỳ vọng. Em và các thành viên trong gia đình đều rất vui và tự hào vì đạt được số điểm tương đối cao.

Đề thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội được các bạn học sinh quan tâm đặc biệt. Đề thi được xây dựng trên các bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh và bài thi SAT của Mỹ. Cấu trúc đề thi nhằm phân loại học sinh dựa theo khả năng tư duy phản biện và cách giải quyết vấn đề.

Mẹo đơn giản lọt top 0,1% người cao điểm nhất tại kỳ thi đánh giá năng lực - Ảnh 1.

Nam sinh Phùng Anh Tuấn.

Trước kỳ thi ĐGNL, Anh Tuấn đưa ra một số mẹo giúp các học sinh có thể chinh phục kỳ thi, đạt số điểm cao:

1. Có phương pháp ghi nhớ khối lượng kiến thức

Anh Tuấn chia sẻ, đề thi ĐGNL bao gồm nhiều môn học nên khó có thể học sâu từng câu. Vì kiến thức rộng nên nếu học tủ, học thuộc lòng sẽ không có cơ hội đạt điểm cao. Các bạn học sinh không nên dành thời gian, tiền bạc vào các trung tâm luyện thi vì ngân hàng đề rất rộng nên trung tâm không thể bao quát hết được.

Đầu tiên, các bạn cần biết thế mạnh bản thân để tập trung ôn luyện và đạt điểm tối đa ở phần thi bản thân tự tin nhất. Kỳ thi ĐGNL bao gồm nhiều môn học nên việc học giỏi, học đều các môn là rất khó. "Em nghĩ nên tập trung nhiều vào môn Toán. Những môn còn lại sẽ học những kiến thức căn bản nhất để có thể trả lời được tối đa câu hỏi", Anh Tuấn cho biết.

Như vậy, khối lượng kiến thức trong đề thi ĐGNL rất rộng, để bài làm có cơ hội đạt điểm cao, học sinh cần có phương pháp ghi nhớ khoa học. Không nên học máy móc, học hời hợt hay học tủ. Hãy học cách hệ thống hoá kiến thức, không nhớ số liệu rời rạc mà cần áp dụng vào quy luật, định lý hay một sự kiện nào đó. Học sinh cần hiểu được mối liên hệ giữa các con số và hiểu rõ bản chất vấn đề.

2. Cẩn thận trước những câu hỏi Toán học, câu hỏi tư duy

Nhiều thí sinh cảm thấy hoang mang khi đứng trước những câu đố tư duy logic, tính toán. Đây là dạng đề mới đối với học sinh THPT nếu không luyện tập từ trước. Các câu hỏi tư duy, tính toán cần suy luận nhiều bước mới đưa ra được đáp án cuối cùng. Cách ra đề có thể hơi lạ so với các bài thi khác nhưng về bản chất nội dung đều nằm trong chương trình đã học. Chính vì vậy, việc nắm chắc kiến thức cơ bản rất quan trọng.

3. Không nên làm lộn xộn và làm những câu dễ trước

Anh Tuấn chia sẻ, thí sinh cần làm theo thứ tự từ trên xuống dưới, không nên làm theo cách lộn xộn. Bởi đề được sắp xếp câu hỏi ở các mức độ dễ, trung bình và khó đan xen nhau, không theo một thứ tự nào cả. Vì vậy, nếu thí sinh làm theo cách lộn xộn dễ gặp ngay vào những câu khó, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ.

Tiếp theo là luôn tuân thủ nguyên tắc: Làm câu dễ trước, làm câu khó sau. Cách làm này giúp thí sinh tránh mất thời gian vào những câu khó, giải quyết được nhanh gọn những câu hỏi trong khả năng.

Lọt top 0,1% người cao điểm nhất tại kỳ thi ĐGNL, nam sinh Hà Nội bật mí BÍ KÍP học tập: Toàn mẹo đơn giản nhưng phải nỗ lực cao - Ảnh 2.

Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc thúc đẩy Anh Tuấn nỗ lực phấn đấu trong học tập.

MẸO HỌC TẬP "NHỎ NHƯNG CÓ CÓ VÕ", GIÚP BẢN THÂN KHÔNG BỊ… SỢ VIỆC HỌC

Trong thời đại hội nhập ngày nay, Tiếng Anh là một công cụ quan trọng và cần thiết. Tiếng Anh giống như chiếc chìa khoá đa năng mở ra nhiều cơ hội trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Các công ty tuyển dụng đều ưu tiên những ứng viên biết Tiếng Anh và những người như vậy thường có cơ hội phát triển bản thân hơn. Hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ, Anh Tuấn luôn chú tâm dành nhiều thời gian học tập.

Anh Tuấn học Tiếng Anh từ năm lớp 1 nhưng chưa thật sự đam mê, hứng thú. Đến năm lớp 8, em mới xác định học tập nghiêm túc và muốn đi thi HSG môn Tiếng Anh. Nhờ đặt ra mục tiêu rõ ràng, em đã nhanh chóng đạt được thành tích nổi bật. Anh Tuấn đạt giải Ba trong kỳ thi HSG cấp thành phố.

Về kỹ năng Nghe và Nói, Tuấn chưa có nhiều thời gian để luyện tập, em chủ yếu làm bài tập ngữ pháp để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học sắp tới. Về cách học từ vựng, nam sinh sẽ ghi những từ chưa biết ra một cuốn sổ nhỏ và sử dụng những ứng dụng thông minh như: Flashcard, Quizlet để ghi nhớ. Sau đó, Anh Tuấn sẽ áp dụng vào những câu văn, ngữ cảnh cụ thể. Điều này cũng giúp ích kỹ năng Viết được cải thiện rõ rệt.

Bàn về vấn đề học ngoại ngữ, Anh Tuấn cho rằng, bất cứ môn học nào cũng cần sự chăm chỉ, nỗ lực, còn năng khiếu bẩm sinh chỉ là một phần nhỏ. Nếu có năng khiếu bẩm sinh thì sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tiếp cận ngôn ngữ. Thế nhưng năng lực đó cần thời gian để mài giũa, hoàn thiện. Chăm chỉ chiếm tới 80% trong quá trình học ngoại ngữ, 20% còn lại là năng khiếu bẩm sinh.

Lọt top 0,1% người cao điểm nhất tại kỳ thi ĐGNL, nam sinh Hà Nội bật mí BÍ KÍP học tập: Toàn mẹo đơn giản nhưng phải nỗ lực cao - Ảnh 3.

Anh Tuấn luôn coi những người bạn của mình là mục tiêu để nỗ lực tiến về phía trước.

Anh Tuấn chia sẻ: "Em gặp rất nhiều khó khăn trong việc học ngôn ngữ Anh. Khó khăn lớn nhất là việc em xuất phát chậm hơn so với các bạn. Khi các bạn đều đạt đến một trình độ nhất định thì em mới dò dẫm bắt đầu. Tuy vậy, em luôn động viên bản thân không được bỏ cuộc, coi các bạn là mục tiêu để tiến về phía trước.

Trong học tập không tránh khỏi những lúc gặp áp lực, căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc ấy, em sẽ giải toả cảm xúc tiêu cực bằng việc đi xem phim, đặc biệt là phim trinh thám, viễn tưởng".

Anh Tuấn có 2 phương pháp hiệu quả mà em đúc rút được trong quá trình học tập. Mẹo nhỏ đầu tiên là vừa học những kiến thức mới, đồng thời kết hợp ôn tập kiến thức cũ. Cách này giúp bản thân nắm vững kiến thức hơn. Ngoài ra, khi học cần đặt ra cho bản thân mục tiêu rõ ràng, phù hợp với năng lực, tránh sa đà vào mục tiêu khó.

Mẹo thứ hai là việc sắp xếp thời gian phụ thuộc vào khối lượng kiến thức đang bị hổng. Nghĩa là đối với môn học nào hay phần kiến thức nào mà nam sinh chưa hiểu hay hiểu chưa sâu, Anh Tuấn sẽ dành nhiều thời gian tập trung vào nó. Ngoài ra, để duy trì hứng thú trong học tập, em luôn ưu tiên học bất cứ khi nào bản thân thấy thích và học trước những môn là thế mạnh.

"Với cách học này khiến em say mê việc học hơn, không còn cảm thấy sợ hay oải khi ngồi vào bàn học", Anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn chia sẻ thêm, nguyện vọng của em là thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân – một trong những ngôi trường đào tạo khối ngành Kinh doanh, Kinh tế hàng đầu Việt Nam. Em cũng đặc biệt quan tâm đến một số ngành nghề như: Logistics, Data analysts,… Anh Tuấn đánh giá đây sẽ là những ngành nghề có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ảnh: NVCC 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm