Chọn “lối rẽ” khác sau kỳ thi vào lớp 10

Anh Nhi
05/07/2022 - 16:44
Chọn “lối rẽ” khác sau kỳ thi vào lớp 10

Học sinh trường nghề có thể học liên thông lên cao đẳng, sau đó là đại học. Ảnh minh họa

Kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều tỉnh, thành phố lớn thường khiến cả phụ huynh và thí sinh rất căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những thí sinh đã rất hài lòng sau “lối rẽ” năm nào.

Không lo "đầu ra"

Nguyễn Trung Hiếu học năm cuối, khoa Tin học ứng dụng, trường nghề Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội, tâm sự: Thời cấp 2, Hiếu chỉ thích hai môn tiếng Anh và Tin học. Vậy nên, khi được học Tin ở đây, Hiếu cảm thấy đây là lựa chọn phù hợp với mình.

Học cùng khoa với Hiếu, Lê Thị Nhung (17 tuổi) cho biết, theo học ở đây đã giúp cô có cả kiến thức nền tảng về văn hóa và kĩ năng nghề. "Ngay từ khi đang học, tôi đã có thể đi làm thêm, có thu nhập. Nếu sau này tốt nghiệp, tôi hoàn toàn có thể học liên thông lên cao đẳng sau đó học lên đại học". Nhung cho biết thêm, hiện tại trường của cô có 5 lớp học văn hóa, còn các lớp nghề thì rất đông. Bản thân Nhung đang ôn thi khối C và không cảm thấy áp lực bởi việc phải vào đại học bởi khi đã có bằng nghề, Nhung có thể chọn cách học liên thông.

Trung Hiếu hào hứng kể: Ở trường nghề, các thầy cô dạy rất nhiệt tình. Nhưng, mọi người phải có ý thức tự giác học hỏi. Những học viên giỏi nghề thường được nhiều công ty, nhà máy tuyển dụng. Thậm chí, học xong nếu xin việc khó, nhà trường có thể tư vấn và giới thiệu với đối tác nên cũng đỡ lo không có "đầu ra".

Thực tế cho thấy, sau THCS, hầu hết học sinh đều lựa chọn vào các trường THPT công lập hoặc dân lập, tỷ lệ vào các trường nghề không nhiều. Trong khi theo thống kê, các trường THPT công lập chỉ đáp ứng được chỗ học cho 60% tổng số học sinh thì rất nhiều năm, các trường nghề không tuyển đủ số chỉ tiêu.

Nhiều phụ huynh hiện chưa hiểu hết về các trường nghề. Một phụ huynh ở Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự, "cô giáo của con anh khuyên học trò không vào trường nghề, phải có bằng tốt nghiệp THPT mới đỡ vất vả". Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường nghề có hệ song bằng (học sinh học xong sẽ có hai bằng: Bằng tốt nghiệp THPT và bằng Trung cấp nghề).

Nguyễn Trung Hiếu cởi mở chia sẻ: "Thực ra, ban đầu, khi chọn theo nghề thay vì đi học cấp 3 như đa số các bạn, tôi đã rất lo lắng". Tuy nhiên, hiện tại, Hiếu rất tự tin với định hướng của mình, cậu cũng không quá áp lực với kỳ thi đại học.

Cơ hội liên thông

Lê Đăng Thanh, học sinh ưu tú tại trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh, là người tự tin, ăn nói lưu loát. Ít người biết Thanh từng có quá khứ không mấy thuận lợi. Năm cấp 2, Thanh học rất kém. Tuy nhiên, Thanh đã theo học song song chương trình đào tạo 9+ hệ Trung cấp và hệ cao đẳng của trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh. Thanh cho biết, việc học cả hai hệ tương đối vất vả, nhưng vì phù hợp với khả năng nên Thanh luôn đạt loại giỏi.

Hiện tại, một số trường nghề trực thuộc các trường cao đẳng cho học sinh, học liên thông cả hai hệ. Lẽ ra phải học 2,5 năm nhưng nếu liên thông thì chỉ cần 1,5 năm là đã có bằng cao đẳng, thuận tiện cho các bạn muốn đi làm sớm. Thanh cũng là một trường hợp như vậy. Sau khi vào trường, Thanh chọn học khoa Nhiệt lạnh, một khoa rất đông học sinh theo học. Lê Đăng Thanh cũng cho biết, mỗi năm đều được học bổng của trường. Tiền học không tốn nhiều, chỉ nộp 450.000 đồng/tháng cho việc học văn hóa, học nghề hoàn toàn miễn phí, cho nên cuộc sống của Thanh rất thoải mái.

Thanh chia sẻ rằng, sau khi học xong cao đẳng, bạn hoàn toàn có thể liên thông vào các trường như Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Bách khoa... Tuy nhiên, bản thân các bạn học nghề thường lựa chọn đi làm để kiếm tiền trước, sau đó mới học lên để có vị trí ổn định hơn. Thanh tâm sự: "Tại các công ty, bằng Đại học như Bách khoa sẽ dễ dàng phấn đấu lên các vị trí cao hơn. Nhưng hiện tại, mình phải đi làm kiếm tiền bởi theo học đại học sẽ vượt quá khả năng chi trả của mình". Thanh đi làm thêm từ năm 15, 16 tuổi cùng người thân trong gia đình, có thu nhập và đang dành dụm tiền mua cho mình một chiếc xe máy để không phải đi xe bus mỗi ngày. Thanh vui vẻ kể, trong đợt khảo sát dành cho học sinh lớp 12 của Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm trung bình mỗi môn của Thanh là 7. Đây là lý do khiến Thanh tự tin hơn.

Kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhẹ qua từng năm. Trong đó, có những năm khoảng 85%-90% số học sinh trúng tuyển tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng học sinh vào trường nghề còn thấp hơn so với chỉ tiêu khá nhiều vì tâm lý sính bằng cấp vẫn tồn tại. Trong khi thực tế hiện nay, rất nhiều thạc sĩ, cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc chật vật với đồng lương ít ỏi từ những công việc không đòi hỏi nhiều đến chất xám.

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện số lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố đạt 70,25% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn 5,75% so với mức trung bình của cả nước (64,5%). Tuy nhiên, số lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt gần 30%, chưa đáp ứng tốt yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

* Theo thống kê của trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (đưa ra tại hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực Công nghiệp gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh và khu vực lân cận - Thực trạng và giải pháp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0"), tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường của trường nghề luôn đạt trên 95%. Mức thu nhập trung bình từ 6 triệu đến 12 triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên có thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng sau 3 năm làm việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm