pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹo phân biệt rau "bẩn" và rau "sạch" đơn giản nhất
Rau xanh là thực phẩm không thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Rau có rất nhiều giá trị dinh dưỡng và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, ổn định huyết áp, tốt cho tim và hệ tiêu hoá, ngăn ngừa bệnh mạn tính, ...
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại rau được bày bán nhưng trong đó có những loại rau bị nhiễm kim loại nặng, chứa hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Nếu thường xuyên ăn loại rau này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người sử dụng như ung thư, vô sinh, bệnh tim mạch, tiêu hoá, gây dị tật bẩm sinh,...
1. Rau sạch là gì?
Rau sạch là rau được trồng theo tiêu chuẩn đã được quy định như đất, nước, phân bón sạch. Không có chứa thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, kim loại nặng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại rau "bẩn" vẫn đang được bày bán với danh nghĩa "thực phẩm sạch", người tiêu dùng không những bị "lừa dối" mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
2. Ăn rau "bẩn" ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ?
Rau "bẩn" là loại rau có chứa thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh. Nếu thường xuyên ăn những loại rau này sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh tật cho người sử dụng, cụ thể:
- Khi ăn rau có hàm lượng đạm cao dẫn tới dư thừa nitrat trong cơ thể. Trong quá trình chuyển hoá, nitrat dễ chuyển thành nitrit - chất này dễ dàng phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, một chất gây ung thư.
- Ngoài ra, một số kim loại nặng khác có trong rau như asen, đồng, kẽm, chì,… do trồng ở các vùng có nước thải công nghiệp, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể, gây ra nhiều chứng bệnh, nguy hiểm nhất gây vô sinh, ung thư.
- Rau có chứa thuốc trừ sâu, chất kích thích, đặc biệt khi dùng với hàm lượng quá cao có thể dẫn tới ngộ độc, suy yếu hệ miễn dịch, tổn thương hệ thần kinh, ung thư, gây vô sinh và sinh con bị dị tật,…
3. Mẹo phân biệt rau bẩn và rau sạch
Để có thể lựa chọn loại rau an toàn, không có chứa các chất độc hại, các bạn có thể dựa vào một số tiêu chí sau:
- Dựa vào màu của rau
Thông thường các loại rau hữu cơ (rau sạch) đều có màu xanh hơi vàng. Nếu gặp những loại rau có màu xanh đậm, không tự nhiên có thể do dư đạm.
- Dựa vào hình dáng
Rau sạch thường có thân giòn, lá nhỏ và có độ rắn chắc nhưng không bóng mượt. Ngược lại, nếu bạn thấy những loại rau héo, lá to, nhiều và kèm theo màu xanh đậm không tự nhiên thì nhiều khả năng rau có chứa chất kích thích tăng trưởng.
Chẳng hạn như rau muống nước khi được trồng ở những khu vực ao có nhiều kim loại nặng, vi sinh vật, có chứa nước thải,… thân và lá cây to, có màu xanh không tự nhiên.
Ngoài ra, rau không có chứa chất hóa học thường có những đốm nhỏ li ti trên lá do côn trùng hoặc sâu bọ.
- Rau lâu héo
Để lựa chọn được rau sạch an toàn, các bạn có thể dựa vào độ héo khi bảo quản rau. Thường rau sạch sẽ bảo quản được lâu hơn khi để ở nhiệt độ mát. Còn đối với rau "bẩn" thường để được 2, 3 ngày, rau sẽ bị thối, hỏng và chảy nước.
- Dựa vào hương vị
Rau được trồng theo tiêu chuẩn sạch thường có hương vị thơm, ngọt, giòn tự nhiên. Khi quan sát kỹ, các bạn thấy rau "bẩn" khi xào lên thường dai, héo và hương vị nhạt, không tự nhiên.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và giữ được giá trị dinh dưỡng, hương vị thơm ngon của rau, các bạn nên ăn rau theo mùa. Những loại rau trái mùa thường được phun thuốc tăng trường để giúp cây phát triển và đạt năng suất.
4. Cách sơ chế rau để đảm bảo an toàn khi sử dụng
Quá trình sơ chế rau cũng giúp loại bỏ tương đối những chất bẩn, hóa học còn dư thừa trong rau. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng sẽ có những tác dụng nhất định.
Một số cách rửa rau được các chuyên gia khuyến khích như:
- Rửa rau dưới vòi nước sạch để loại bỏ đất, vi khuẩn và các chất hóa học còn dư trên rau. Đặc biệt, với những loại rau có cuống như xà lách, rau cải nên rửa trực tiếp dưới vòi chảy, chú ý các phần kẽ - khu vực nhiều đất, cát.
- Ngâm với nước muối khoảng 5 đến 10 phút trước khi chế biến, điều này có thể loại bỏ một số loại vi sinh vật có hại trên bề mặt rau.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi ăn rau, các bạn nên ưu tiên các cách chế biến chín. Ăn rau sống thường xuyên dễ ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá, tạo điều kiện cho các loại giun, sán xâm nhập.
Nhìn chung, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, mọi người nên lựa chọn những loại rau được trồng ở khu vực có đất, nước sạch và được chăm sóc theo quy định, không có tồn dư thuốc trừ sâu, chất kích thích, kim loại nặng. Nên lựa chọn rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không chọn loại có mẫu mã bắt mắt và không tự nhiên.