pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ em bị tiêu chảy bao lâu sẽ khỏi?
Các bác sĩ cho biết, trên thực tế không phải cứ trẻ bị tiêu chảy là do Adenovirus mà còn có thể do các virus khác như Rotavirus, Norovirus,... Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây tiêu chảy, bao gồm E.coli, Salmonella, Campylobacter và Shigella,...
Điều trị tiêu chảy ở trẻ em phần lớn là điều trị triệu chứng. Bạn không nên tự ý cho con sử dụng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Nếu nguyên nhân gây ra tiêu chảy không phải do nhiễm trùng thì việc điều trị tiêu chảy ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.
1. Tiêu chảy ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Tiêu chảy là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 2 ngày và tự biến mất. Nếu như tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày con bạn có thể gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tiêu chảy được chia là 2 cấp độ:
- Tiêu chảy ngắn hạn hay còn gọi là tiêu chảy cấp tính
Là tình trạng tiêu chảy kéo dài 1 hoặc 2 ngày rồi khỏi. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp tính có thể do thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc có thể do trẻ nhiễm virus và sinh bệnh.
- Tiêu chảy mãn tính
Là tình trạng tiêu chảy kéo dài trong vài tuần. Nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính có thể do các vấn đề sức khỏe khác như hội chứng ruột kích thích gây ra hoặc các bệnh đường ruột khác như bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, bệnh Celiac, Giardia,...
2. Các triệu chứng của tiêu chảy ở trẻ em là gì?
Các triệu chứng tiêu chảy có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Có thể bao gồm:
- Đau bụng
- Chuột rút
- Bụng đầy hơi
- Buồn nôn
- Đi ngoài phân lỏng liên tục
- Sốt
- Phân có lẫn máu
- Mất nước,...
Nhìn chung thì các triệu chứng của tiêu chảy cũng có thể tương tự như các vấn đề sức khỏe khác. Tiêu chảy nghiêm trọng có thể là biểu hiện của một bệnh lý tiềm ẩn khác.
Khi nào cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi bệnh viện?
Biến chứng lớn nhất của tiêu chảy là mất nước. Điều này dễ xảy ra hơn với trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch kém. Tình trạng mất nước có thể ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Mất nước nhẹ thì có thể bù dịch để hồi phục nhưng mất nước ở mức độ trung bình hoặc nặng có thể gây căng thẳng cho tim và phổi - thậm chí là dẫn tới sốc và nguy hiểm tới tính mạng.
Vì thế khi thấy trẻ bị tiêu chảy có những biểu hiện dưới đây cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám:
- Dưới 6 tháng tuổi, dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy từ 3 đợt trở lên
- Trẻ bị đau bụng dữ dội, đau dạ dày trong 2 giờ
- Có lẫn máu trong phân
- Nôn mửa liên tục, không giữ được chất lỏng trên 2 lần, dịch nôn có màu xanh lá cây hoặc màu vàng
- Không bù được nước thông qua đường uống trong vài giờ
- Sốt cao
- Miệng khô, dính, nứt nẻ
- Tụt cân
- Đi tiểu ít hơn bình thường, cụ thể là không đi tiểu trong 6 giờ với trẻ nhỏ và 12 giờ với trẻ lớn
- Liên tục đi ngoài hơn 4 lần phân lỏng trong vòng 8 giờ
- Khóc không nước mắt
- Ngủ li bì, kém tỉnh táo
- Chóng mặt, choáng váng
- Thóp bị trũng lại.
3. Cha mẹ cần làm gì khi con bị tiêu chảy?
Đối với trẻ có dấu hiệu mất nước nhẹ thì các bác sĩ khuyên rằng cha mẹ nên cho trẻ sử dụng các dung dịch bù nước như oresol pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất để giảm mất nước ở trẻ.
Lưu ý không cho trẻ uống đồ uống thể thao khi bị tiêu chảy, các loại nước ngọt có gas, nước trái cây đậm đặc do chúng có quá nhiều đường và có thể khiến tình trạng tiêu chảy ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Về dinh dưỡng, với trẻ bị tiêu chảy trong nhiều trường hợp bạn có thể tiếp tục cho trẻ ăn uống bình thường do bệnh sẽ tự biến mất theo thời gian. Nhưng nguyên tắc là: Chia nhỏ bữa ăn của trẻ trong ngày thay vì ăn 3 bữa chính.
Ngoài ra, cần tránh các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn chế biến sẵn hay thức ăn nhanh, xúc xích,.... Nếu việc uống sữa khiến trẻ trên 1 tuổi bị tiêu chảy nặng hơn, chướng bụng và đầy hơi thì bạn nên cắt sữa cho tới khi trẻ hết tiêu chảy.