Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ và bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội

BT (Tổng hợp)
02/05/2024 - 18:21
Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ và bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội

Đồng chí Vương Đình Huệ.

Tại kỳ họp bất thường hôm nay, ngày 2/5/2024, Quốc hội khóa XV đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội củai ông Vương Đình Huệ và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái (đoàn Bắc Giang)

Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa phát đi thông cáo báo chí về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV. Thông cáo cho biết:

Chiều ngày 02/5/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để thực hiện các nội dung:

- Xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng;

- Xem xét việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Sau khi nghe trình bày các Tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua:

- Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ;

- Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái.

Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ và bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội- Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

* Trước đó, ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ và ra thông báo nêu rõ: "Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026".

Miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ và bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội- Ảnh 2.

Ông Dương Quốc Thái. Ảnh: TTXVN

Đối với ông Dương Văn Thái, hôm 26/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046, đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV, theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV, kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Trước khi bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Dương Văn Thái là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa XV.

Căn cứ, quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội 

Việc Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ căn cứ tại điều 70 Hiến pháp năm 2013. Điều 70 Hiến pháp quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Tại khoản 7, Điều 70 quy định Quốc hội: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Khoản 1 Điều 43 Nội quy ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định trình tự Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như sau:

- Cơ quan, người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm người giữ chức vụ trình Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức;

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

- Đại diện cơ quan hoặc người có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội;

- Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm, người bị đề nghị bãi nhiệm, cách chức có quyền phát biểu ý kiến;

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;

- Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức bằng hình thức bỏ phiếu kín;

- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức;

- Quốc hội thảo luận;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

- Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm