pnvnonline@phunuvietnam.vn
Miễn viện phí - bước tiến quan trọng của công bằng xã hội

Việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. Ảnh minh hoạ
VIỆN PHÍ - RÀO CẢN CHÍNH CỦA BỆNH NHÂN NGHÈO
Trong khuôn viên Bệnh viện K Trung ương, bà Nguyễn Thị Hạnh (65 tuổi, quê Bắc Giang) đang chờ đến lượt khám lại sau đợt hóa trị. Gia cảnh khó khăn, bà Hạnh đi cùng con gái, mang theo một túi thuốc, một túi cơm và cả những nỗi lo thường trực. “Tôi lo cho sức khỏe của mình nhưng nỗi lo lớn hơn là về chi phí điều trị, thuốc thang. Mỗi lần lên viện là nhà tôi phải bán đàn gà hoặc con lợn. Tôi có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn còn nhiều khoản chi phí mà người bệnh phải tự chi trả như các loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm hay một số kỹ thuật, dịch vụ mà bảo hiểm không chi trả. Về lâu dài, gia đình tôi cũng sẽ phải vay mượn để có tiền điều trị bệnh cho tôi”, bà Hạnh kể.
Tại Hà Nội, nơi tập trung những bệnh viện tuyến cuối hàng đầu cả nước, không khó để thấy những bệnh nhân phải vượt hàng trăm cây số để được điều trị. Trong hành trình đi tìm sự sống, có những người bệnh không gục ngã trước căn bệnh mà lại vỡ vụn trước những khoản chi phí điều trị quá đắt đỏ.
Thực trạng này đang diễn ra mỗi ngày tại các bệnh viện nơi không thiếu kỹ thuật tiên tiến và bác sĩ giỏi, nhưng lại có quá nhiều bệnh nhân phải rời viện giữa chừng vì… hết tiền.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30% đến 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, cho thấy rào cản tài chính vẫn đang khiến nhiều người dân chưa thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết.
“Tôi nghe Nhà nước đang định hướng miễn 100% viện phí, nếu được thì đúng là như giấc mơ với người nghèo. Tôi mong chính sách này được thực hiện sớm, để những người như chúng tôi bớt lo mà có thêm hy vọng”, bà Hạnh xúc động. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho hay, hiện tại, chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, cũng như việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong điều trị.
“Trong hệ thống y tế hiện nay, tài chính là một trong những rào cản quan trọng nhất khiến nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo và người ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, không thể tiếp cận đầy đủ và kịp thời các dịch vụ y tế thiết yếu. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá nhân mà còn kéo theo hệ lụy lâu dài cho cả cộng đồng và nền kinh tế”, TS Phu thông tin.

Ảnh minh hoạ: VNP
CÂU CHUYỆN TƯỞNG XA MÀ CÓ THỂ GẦN
Theo đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, một ca bệnh nặng có thể đẩy cả một gia đình vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản. Việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính ấy, giúp mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản mà không phải đắn đo. Đây là minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi, đồng thời thể hiện tinh thần của một nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm.
Dĩ nhiên, việc triển khai chính sách miễn viện phí toàn dân chắc chắn sẽ gặp không ít trở ngại và thách thức, đầu tiên là nguồn lực tài chính. Do đó, theo GS Nguyễn Anh Trí, cần có lộ trình rõ ràng và cần chia thành các nhóm đối tượng để lần lượt thực hiện miễn viện phí từ nay đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên các nhóm như người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, trẻ em dưới 6 tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, mãn tính phải điều trị lâu dài, người già... “Với những nhóm ưu tiên này có thể nghiên cứu thực hiện ngay từ năm 2026 và sau đó tiếp tục thực hiện với các nhóm còn lại, đến năm 2030 có thể tiến tới thực hiện toàn dân”, GS Trí đề xuất.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Nguyễn Anh Trí, ông Lê Văn Phúc, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho rằng, trong lộ trình thực hiện, quan trọng nhất cần có sự gắn kết với BHYT để tăng dần tỉ lệ hưởng và các dịch vụ được hưởng BHYT chi trả. Đồng thời có chính sách hỗ trợ chi phí mua cũng như cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng nghèo, thu nhập thấp, người cao tuổi... từ đó giúp giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh.
“Trước khi tiến tới miễn viện phí toàn dân thì giải pháp khả thi trước mắt là miễn phí cấp thẻ BHYT cho toàn dân, đặc biệt hỗ trợ nhóm yếu thế để giảm gánh nặng chi phí. Đây là chính sách thiết thực nhưng cũng cần đi kèm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và kiểm soát chặt chẽ”- ông Lê Văn Phúc, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, nhấn mạnh.
Mới đây, tại hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, việc xây dựng mô hình bệnh viện thông minh và đầu tư cho y tế cơ sở là điều kiện cần để hiện thực hóa chủ trương khám sức khỏe định kì cho toàn dân và tiến tới miễn viện phí trong tương lai.
“Việc xây dựng bệnh viện thông minh và quản trị bền vững không chỉ để tăng hiệu quả nội tại mà còn nhằm thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền, hướng đến một hệ thống y tế toàn dân, cá thể hóa và nhân văn. Ngành y tế cần tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, hợp tác công tư và xã hội hóa để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, bảo đảm người dân ở mọi vùng, miền đều được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, chất lượng và an toàn. Từ đó, hướng đến mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, từng bước tiến tới mục tiêu vô cùng nhân văn và cao cả đó là miễn viện phí cho toàn dân theo chủ trương, định hướng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.