Miếng độn nâng ngực silicon dễ dẫn đến chẩn đoán sai bệnh tim

23/06/2017 - 21:40
Nghiên cứu mới của các chuyên gia tim mạch châu Âu đã chứng minh, những miếng độn được sử dụng trong phẫu thuật nâng ngực sẽ gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình phát hiện vấn đề về tim.

Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp phổ biến, giúp bác sĩ đánh giá vấn đề về tim của bệnh nhân. Các cảm biến gắn trên da của bệnh nhân giúp phát hiện các tín hiệu điện do tim tạo ra mỗi khi nó đập. Những tín hiệu này sẽ được ghi lại, từ đó, bác sĩ có thể kiểm tra xem liệu tim bệnh nhân có bất kỳ vấn đề bất thường nào hay không.

Thế nhưng, một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị Hiệp hội Tim mạch châu Âu ở Vienna, đã cho thấy kết quả điện tâm đồ có thể sẽ bị sai lệch, dẫn đến các chẩn đoán sai ở những phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực.

silicon-nang-nguc-de-dan-den-chan-doan-sai-benh-tim.jpg
Những miếng Silicon độn ngực như thế này sẽ gây khó khăn trong việc siêu âm tim và ảnh hưởng đến kết quả điện tâm đồ, dẫn đến chẩn đoán sai.


Tiến sĩ Sok-Sithikun Bun, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Princess Grace ở Monaco, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng, nâng ngực khiến tim của người bệnh khó quan sát hơn khi siêu âm vì siêu âm không thể xuyên qua miếng nâng ngực. Sau đó, chúng tôi đã tìm hiểu xem liệu việc phẫu thuật nâng ngực có ảnh hưởng đến kết quả điện tâm đồ hay không và kết quả đã cho thấy câu trả lời là “có”.

Thử nghiệm của tiến sĩ Bun được thực hiện trên 28 phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực và 20 người khác không nâng ngực. Tất cả họ đều có tình trạng sức khỏe khỏe mạnh và không hề mắc bệnh tim.

Họ được các bác sĩ thực hiện đo điện tâm đồ và số liệu ghi lại được phân tích bởi hai chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, 2 chuyên gia đã đưa ra những kết quả phân tích khá khác nhau. Trong khi một người cho rằng, có 38% người tham gia thử nghiệm có những vấn đề bất thường về tim thì người còn lại lại cho thấy, con số đó là 57 %.

Và sau nhiều ngày nghiên cứu và các phiên tranh luận, tiến sĩ Bun kết luận rằng: “Sự khác biệt chính giữa hai nhóm phụ nữ là ở việc phẫu thuật nâng ngực vì vậy chúng tôi nghĩ rằng, điện tâm đồ bất thường là do những sai số khi ghi lại. Và những sai số này chính là do ảnh hưởng của miếng độn ngực”.

Từ đó, Tiến sĩ Bun khuyên những phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực phải thông báo cho bác sĩ trước khi họ thực hiện đo điện tâm đồ: “Khi một bệnh nhân đến khoa cấp cứu vì đau ngực, điện tâm đồ thường được thực hiện ngay để xem họ có bị đau tim hay không. Tuy nhiên, các bác sĩ nên lưu ý rằng, việc đọc kết quả điện tâm đồ có thể có những nhầm lẫn ở những bệnh nhân phẫu thuật nâng ngực. Chính vì vậy, trong những trường hợp chẩn đoán không chắc chắn, thì các bác sĩ nên cân nhác việc xét nghiệm máu tùy thuộc vào các triệu chứng”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm