pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mở "cánh cửa mới" cho người lao động khu vực công sau tinh giản

Do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, dự kiến sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực Nhà nước trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa.
Kinh nghiệm hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề trên thế giới
Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp bộ máy Nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và được nhiều người quan tâm.
Do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, dự kiến sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực Nhà nước trong giai đoạn tới. Trong số này, nhiều người sẽ quay trở lại thị trường lao động bởi vẫn còn sức lực, có trình độ nhưng không ít người sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ trong quá trình thích nghi và định hướng lại nghề nghiệp.
ThS. Kiều Công Thược, Chủ tịch VNFUND, đánh giá, chuyển đổi nghề đối với lao động khu vực công không chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm công việc mới mà còn liên quan đến các vấn đề về chính sách hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, tâm lý thích nghi và khả năng hòa nhập với thị trường lao động ngoài khu vực nhà nước. Để giải quyết đề này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và mô hình hỗ trợ hiệu quả.

Ths. Kiều Công Thược, Chủ tịch VNFUND, đánh giá nhiều cán bộ đã quen với môi trường làm việc nhà nước và sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang khu vực tư nhân
Ông Thược lấy ví dụ như tại Mỹ, chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA) mang đến lợi ích và hỗ trợ cho những người lao động bị thất nghiệp hoặc bị đe dọa mất việc, do tác động của thương mại quốc tế. Chương trình này tạo cơ hội cho những người lao động bị ảnh hưởng bất lợi có được các kỹ năng.
Còn tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đưa ra chính sách chuyển đổi nghề trong khu vực công thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính. Theo đó, tại Hàn Quốc, khi doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động được lấy từ chi phí bảo hiểm lao động. Để nhận chi phí đào tạo này thì doanh nghiệp Hàn Quốc phải đăng ký và mua bảo hiểm lao động. Chi phí này được hỗ trợ cho việc chí phí đào tạo, ăn ở, đi lại. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỷ lệ 100% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60% cho doanh nghiệp lớn và 40% cho doanh nghiệp trên 1.000 người.
Trở lại với Việt Nam, ông Thược đánh giá quá trình xây dựng chính sách và hỗ trợ lao động chuyển đổi công việc từ khu vực công sang tư vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Giúp lao động khu vực công hòa nhập
Chủ tịch VNFUND cho rằng, thách thức đầu tiên đó là tại Việt Nam chưa có cơ chế đào tạo nghề chuyên biệt cho lao động khu vực công sau sáp nhập. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để tái đào tạo hoặc bố trí lại công việc cho cán bộ bị ảnh hưởng.
Khó khăn tiếp đó, theo ông Thược là liên quan đến tâm lý và văn hóa làm việc. "Nhiều cán bộ đã quen với môi trường làm việc nhà nước và sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang khu vực tư nhân. Ngoài ra, phần lớn đội ngũ công chức, viên chức khi làm việc tại khu vực công đã quen với lương ổn định, trong khi khu vực tư nhân sẽ có áp lực cao hơn", ông Thược cho biết.
Hạn chế về kỹ năng phù hợp với thị trường lao động cũng là một trong những yếu tố được ông Thược đánh giá là sẽ tạo khó khăn đối với lao động khi chuyển từ khu vực công sang tư. Cụ thể, theo vị chuyên gia này, phần lớn lao động khu vực công có chuyên môn hành chính, quản lý nhưng lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với doanh nghiệp tư nhân. Không những thế, đó còn là việc đội ngũ lao động này sẽ thiếu các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin - những yếu tố quan trọng trong thị trường lao động hiện đại.
Do đó, để thành công trong hỗ trợ chuyển đổi nghề từ khu vực công sang tư, ông Thược cho rằng nước ta cần có định hướng nghề nghiệp từ sớm và tư vấn chuyên sâu; hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới phù hợp với thị trường lao động; chính sách tài chính hỗ trợ chuyển đổi nghề (trợ cấp, vay ưu đãi, quỹ bảo hiểm...) cũng như việc phải kết nối với khu vực tư nhân để tạo cơ hội việc làm mới cho lao động.
Từ thực trạng trên, ông Kiều Công Thược đưa ra 3 nhóm giải pháp để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực công sau tinh giản biên chế.
Cụ thể, với nhóm giải pháp về chính sách, nước ta sẽ cần xây dựng khung pháp lý toàn diện về hỗ trợ chuyển đổi nghề; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho lao động khu vực công có nguy cơ mất việc; phát triển hệ thống bảo hiểm việc làm, trợ cấp tài chính khi chuyển đổi nghề.

Những biến động liên quan đến nhân sự khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính đặt ra những yêu cầu về việc hỗ trợ người lao động khi chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Ảnh: Hoàng Triều.
Ngoài ra còn là việc phải tăng cường đầu tư vào đào tạo kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng số và kỹ năng mềm; thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động chính xác và kịp thời.
Với nhóm giải pháp về tài chính, theo ông Thược, nhà nước cần thành lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động khu vực công; cấp vốn vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ để giúp người lao động ổn định trong giai đoạn chuyển đổi nghề; hỗ trợ tiền lương tạm thời để người lao động có thời gian thích nghi với công việc mới. Song song với đó, nhà nước cũng sẽ cần mở rộng đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ về pháp lý, thuế, tài chính nếu muốn khởi nghiệp.
Trong nhóm giải pháp về triển khai, Chủ tịch VNFUND nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết của chuyển đổi nghề; thiết lập các trung tâm đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho lao động khu vực công; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần phát triển các chương trình đào tạo nghề linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về việc làm và cơ hội khởi nghiệp cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động chuyển đổi.