Mở cánh cửa mới nhờ sự tò mò với thạch 3D

Hương Lan
17/01/2024 - 11:30
Mở cánh cửa mới nhờ sự tò mò với thạch 3D

Chị Trần Phương Nga

Năm 2015, phong trào làm thạch 3D nổi lên tại Việt Nam, các bà, các mẹ thi nhau học và làm. Chị Trần Phương Nga (hiện 42 tuổi, ở Hà Nội) cũng tò mò thử làm tặng con.

Ban đầu, chị học cách làm thạch hoa quả đổ khuôn. Những chiếc thạch ấy không long lanh như mua ở cửa hàng nhưng sạch và an toàn. Sau đó, chị bị cuốn hút vào thạch 3D. Nhưng chị nhận ra, mỗi bộ kim làm thạch 3D có giá 250.000 - 350.000 đồng mà mỗi mẫu hoa lại cần một bộ kim, vượt quá khả năng tài chính của chị. 

Chị đã thử mua 3 bộ kim về bắt hoa nhưng hoa vẫn không được mềm mại, tự nhiên, không có hồn. Những bộ kim đó lại không thể tạo hình người, con vật. 

Chị Nga tâm sự: "Không thể đếm nổi bao mẻ bánh thất bại. Ông xã lắc đầu, các con nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu. Cả nhà không hiểu sao đi làm về mệt nhoài, tôi lại tất bật trong bếp đến đêm, rồi bánh hỏng lại ngồi buồn so, chán nản".

Mong muốn tự tay làm được những bánh thạch ấn tượng cho con, chị mày mò tạo hình bằng kim tiêm y tế, ống hút. Chị còn lên mạng tìm các clip của nước ngoài nhưng không thấy hướng dẫn phương pháp nào giúp vẽ hoa thật hơn. Chị bắt buộc phải nghĩ ra phương pháp của riêng mình mới có thể đem cả thế giới hoa vào trong thạch. 

Năm 2016, bằng cây kim tiêm G18 được bẻ cong, chị vẽ bông hoa phượng đầu tiên và không thể dứt ra khỏi bánh thạch.

Mở cánh cửa mới nhờ sự tò mò ở tuổi 42- Ảnh 1.

Chị Trần Phương Nga (giữa) hướng dẫn trẻ làm bánh thạch tặng bác sĩ và bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Còn màu sắc thì tạo ra từ các loại nước quả, từ sữa tươi, cốt dừa. Chị thấy bơm hoa bằng nước ép màu rất đẹp nhưng lật úp lại thì màu hoa lại nhạt nhòa, không rõ cánh hoa. Còn bơm hoa bằng sữa lại có hình cánh rõ ràng. Chị đã chỉnh công thức pha màu, kết hợp màu trái cây, rau củ với sữa, cốt dừa để tạo màu sắc đẹp mắt, cánh hoa rõ nét và thơm ngon.

Chị bắt đầu mang những loài hoa chị yêu vào trong chiếc bánh thạch một cách chân thực từ màu sắc, đường nét đến hồn hoa. Chị ngắm hoa và tìm cách vẽ lại vào thạch. Sau khi vẽ thành công, chị kết hợp với nhiều công ty truyền thông livestream, quay clip chia sẻ rộng rãi kỹ thuật vẽ bằng kim G18, tổ chức các cuộc thi, mở các lớp dạy nghề...

Chị tiếp tục thử nghiệm thành công bộ tỉa, tạo hình, đưa thạch 3D phát triển theo hướng nghệ thuật tả thực.

Năm 2018, chị chọn gác lại công việc ở Viện Nghiên cứu Thú y, nơi chị đã gắn bó 12 năm, để toàn tâm, toàn ý theo đuổi nghệ thuật làm bánh thạch 3D. Ngưng làm công việc mà mình đã học tới trình độ thạc sĩ là điều không dễ nhưng chị thấy sự đánh đổi này xứng đáng khi tìm được niềm đam mê, gia đình lại ủng hộ để chị được sống với công việc mà mình yêu thích.

"Nhiều tác phẩm thạch 3D của tôi gây tiếng vang, được chia sẻ rộng rãi. Tôi muốn chia sẻ cách làm của mình tới mọi người, giúp người nội trợ tiếp cận được cách làm thạch 3D với chi phí rẻ và làm dễ hơn. 

Nhiều người từ Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản... đã liên hệ và tới Việt Nam để học cách làm của tôi. Tôi muốn mọi người không chỉ xem thạch 3D là một món tráng miệng mà coi đây là một dòng bánh nghệ thuật sáng tạo, đưa hình ảnh người làm bánh Việt Nam ra quốc tế".

Chị liên tục mở các lớp dạy nghề làm bánh thạch trong nước và ở Singapore, Malaysia, đào tạo học viên đi tham dự các cuộc thi quốc tế và giành giải cao. Sau một quá trình cố gắng không mệt mỏi, tháng 11/2020, chị Trần Phương Nga được phong danh hiệu "Nghệ nhân văn hóa ẩm thực làng nghề Việt Nam".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm