Mô hình "Đồng hành phát triển" - Tạo "cú hích" cho sự phát triển kinh tế của chị em phụ nữ

Phạm Thương
23/02/2025 - 10:33
Mô hình "Đồng hành phát triển" - Tạo "cú hích" cho sự phát triển kinh tế của chị em phụ nữ

Nguồn vốn từ mô hình “Đồng hành phát triển” đã giúp đỡ nhiều chị em cùng vươn lên

Mô hình “Đồng hành phát triển” do Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Quận 6, TPHCM, tạo lập đã tạo nên một "cú hích" cho sự phát triển kinh tế của các chị em hội viên. Đây không chỉ là mô hình tài chính hiệu quả mà còn là “sợi dây” gắn kết tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN Quận 6, Câu lạc bộ Nữ (CLB) nữ doanh nhân Quận 6 đã xây dựng mô hình "Đồng hành phát triển" và duy trì hiệu quả. Mô hình còn được gọi là "Quỹ tương trợ không lãi suất" có cách thức vận hành tương tự các mô hình như "góp vốn quay vòng", "tổ góp vốn", "hùn vốn tiết kiệm"…, nghĩa là các chị em hội viên góp vốn với nhau, số tiền góp vốn giải quyết nhiều khó khăn cho các chị em hội viên trong giai đoạn cấp thiết.

Mô hình quỹ tương trợ này của CLB hiện có 18/24 thành viên tham gia, đạt tỷ lệ 75%, với số tiền 5.000.000 đồng/tháng đã giúp đỡ, tương ứng số vốn 90 triệu đồng/tháng/2 thành viên. Qua đó, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho các thành viên là 1,8 tỷ đồng/năm. Việc góp vốn là mối dây duy trì trách nhiệm và tình cảm giữa các hội viên. Mỗi buổi sinh hoạt là lúc chị em mang phần vốn góp của mình đến nộp và trích ra một phần để liên hoan, giao lưu với nhau và tranh thủ chia sẻ với nhau những câu chuyện đời, chuyện nghề.

Cô Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở sản xuất dù bạt Hồng Đức (phường 9, quận 6, TPHCM), là một trong số những thành viên tham gia mô hình "Đồng hành phát triển". Cô chia sẻ niềm vui và sự ổn định kinh tế mà mình đã đạt được nhờ vào nỗ lực bản thân cùng sự hỗ trợ từ nguồn quỹ này.

Cô Lan kể rằng, năm 1990, cô bỏ nghề giáo viên và theo chồng vào TPHCM lập nghiệp. Những ngày đầu, cô vừa chăm con nhỏ mắc bệnh đường ruột, thường xuyên đau ốm, vừa đi xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận. Một lần, khi đi ngang qua các cơ sở sản xuất dù, cô dừng lại quan sát, tò mò tìm hiểu và quyết định mở cửa hàng kinh doanh dù.

Trong quá trình buôn bán, cô nhận thấy giá dù khi đó rất cao. Nhiều người nhập cư mưu sinh bằng xe đẩy đắn đo mãi mà vẫn không mua nổi. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng may dù từ vải dư, thu mua phế liệu để làm cán, vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp giảm giá thành. Khi có vốn, cô bắt đầu nhập nguyên liệu mới để sản xuất và bán với giá phải chăng. Nhờ kinh doanh uy tín, thật thà, khách hàng dần tìm đến ngày một đông hơn. Đến nay, cô đã gắn bó với nghề sản xuất dù hơn 30 năm. Người dân trong phường vẫn quen gọi cô bằng cái tên trìu mến: "Cô Lan dù".

Cô Lan chia sẻ rằng, trong quá trình sản xuất, không ai tránh khỏi những lúc eo hẹp về vốn, từ nhập nguyên liệu đến trả lương cho nhân công. Nhờ tham gia góp vốn và nhận hỗ trợ từ mô hình "Đồng hành phát triển", cô đã có nguồn tiền để xoay sở qua những giai đoạn khó khăn. Bản thân cô cũng đã nhận vốn 5 lần, giúp công việc kinh doanh được duy trì ổn định.

Không chỉ tự vươn lên làm chủ, cô Lan còn mở rộng cơ sở, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lầm lỡ, giúp họ có kế sinh nhai và cơ hội làm lại cuộc đời.

Cô Lan tâm sự: "Nói thật, trong xưởng tôi có 25 thợ thì số người chưa từng vi phạm pháp luật rất ít. Các em ấy, người thì từng phạm lỗi này lỗi kia, có em còn từng chịu án tù vì tội giết người. Những ngày đầu, để xin việc làm với các em rất khó nhưng tôi vẫn quyết định nhận, quan tâm, động viên, để các em có cơ hội làm lại từ đầu, kiếm sống bằng đồng tiền sạch, do chính tay mình làm ra. Bây giờ, nhiều em đã gắn bó với tôi hơn 10 năm."

Nói về lý do tiếp tục duy trì cơ sở dù tuổi đã lớn, cô Lan chia sẻ: "Nhiều người khuyên tôi nên nghỉ ngơi nhưng tôi cảm thấy mình còn mắc nợ - mắc nợ với những người thợ trong xưởng, với bà con trong phường này. Ngày trước, lúc tôi khó khăn, người này giúp, người kia đỡ. Giờ tôi có điều kiện, tôi muốn giúp lại. Vì vậy, tôi phải giữ cơ sở thật tốt để các thợ có công việc ổn định, đồng thời cùng chị em trong CLB, cùng đoàn thể, chính quyền tham gia các hoạt động xã hội. Xưởng sản xuất này, nếu tôi sang nhượng, chắc cũng không khó nhưng tôi lo chủ mới sẽ không tạo việc làm cho những người đã gắn bó lâu năm. Vì thế, tôi vẫn phải làm khi còn có thể".

Mô hình “Đồng hành phát triển” – điểm tựa giúp chị em cùng vươn lên- Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Lan (bên trái) tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.

Ngoài cô Lan, còn có rất nhiều chị em đã nhận được nguồn vốn khi cần thiết để đầu tư sản xuất, khởi nghiệp, xây dựng cơ sở, giải quyết những việc quan trọng của gia đình.

Chị Trần Thị Mai Trang, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân quận 6, cho biết: CLB chủ yếu gồm các doanh nghiệp, cơ sở vừa và nhỏ. Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần để đánh giá, nắm bắt tình hình lao động sản xuất, đời sống của từng thành viên, đồng thời thực hiện hoạt động góp vốn hỗ trợ những thành viên có nhu cầu vay. Nguồn vốn này được các chị em luân phiên đóng góp và xoay vòng, đảm bảo mọi thành viên đều có cơ hội vay mà không tính lãi. Đặc biệt, nếu có thành viên cần kinh phí gấp để giải quyết việc quan trọng trong gia đình, CLB sẽ ưu tiên hỗ trợ trước.

Bên cạnh mô hình "Đồng hành phát triển", CLB cũng tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, hỗ trợ nguồn vốn cho những hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương cho người nghèo; mái ấm biên cương dành cho gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; cũng như đóng góp cho chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.

"CLB Nữ doanh nhân quận 6 không chỉ là nơi kết nối kinh doanh mà còn là ngôi nhà chung, nơi các chị em gắn bó với nhau bằng tình cảm chân thành và sẻ chia", chị Trang xúc động cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm