Mô hình làng nổi cộng sinh giành giải đặc biệt cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo 2019

25/06/2019 - 19:21
Với thiết kế linh hoạt và có tính thẩm mỹ cao, giúp người dân yên tâm sống trong vùng lũ, đồng thời có thể khai thác diện tích mặt nước thành những khu du lịch văn hóa, sinh thái và trải nghiệm, Dự án mô hình làng nổi Maru đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo 2019.
Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn phải gánh chịu nạn lũ lụt nghiêm trọng hàng năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương. Với mong muốn giúp người dân vùng lũ ứng phó với thiên tai, dự án Maru Ichi - mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường và chịu được lũ đầu tiên ở Việt Nam đã được ấp ủ, nghiên cứu.
 
 
board-5.jpg
Mô hình làng nổi cộng sinh có thiết kế linh hoạt

 

Giới thiệu với báo Phụ nữ Việt Nam về ngôi làng đặc biệt này, chị Nguyễn Phương Anh, giám đốc dự án cho biết: Trong tiếng Nhật, Maru nghĩa là vòng tròn, tượng trưng cho khả năng kết nối và mở rộng bất tận của mô hình; Ichi nghĩa là thứ nhất. Maru Ichi nghĩa là dự án đầu tiên của Maru. Trong tương lai, Maru sẽ còn có những thiết kế và sáng tạo khác phù hợp với các điều kiện địa hình và khí hậu đa dạng ở các vùng khác của Việt Nam.
 
lang-noi.JPG
Chị Nguyễn Phương Anh, giám đốc dự án và mô hình Maru Ichi

 

Mỗi ngôi nhà trong Maru Ichi là một tế bào có thể được thiết kế và sử dụng độc lập với phần không gian riêng tư cho sinh hoạt gia đình, đồng thời có thể di chuyển và gắn kết với các ngôi nhà khác thành một cộng đồng xanh.
 
 
board-3.jpg
Các ngôi nhà trong dự án có khả năng kết nối chặt chẽ với nhau

 

Điểm sáng tạo của mô hình này là mỗi ngôi nhà đều có hệ thống lọc nước sạch và tấm năng lượng mặt trời; vật liệu sử dụng để xây dựng nhà đều là vật liệu địa phương hoặc tái chế, dễ tìm và chi phí thấp như cây tràm, lá dừa nước và thùng nhựa đã qua sử dụng…, có chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của các cộng đồng dân cư nghèo.
 
Bên cạnh đó, Maru Ichi được xây dựng dựa trên nghiên cứu thực tế văn hóa và phong tục của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các cộng đồng sinh sống trên mặt nước, mang đến cuộc sống bền vững, mà không làm thay đổi những thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán của người dân địa phương.
 
Ngoài việc giúp người dân vùng lũ thoát khỏi vòng luẩn quẩn thiên tai lũ lụt, mô hình làng cộng sinh còn muốn thông qua đó cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước và môi trường sinh hoạt trên dòng sông Mekong, giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn. 
board-2.jpg
Mô hình có thể khai thác diện tích mặt nước thành những khu du lịch văn hóa, sinh thái và trải nghiệm

 

Về mặt kinh tế, bằng cách chú trọng tính độc đáo và thẩm mỹ trong thiết kế, mô hình Maru Ichi mở ra một tiềm năng lớn về kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong các làng nổi Maru Ichi, tạo thêm việc làm, đặc biệt là việc làm cho lao động nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Thuận lợi nhiều, khó khăn không ít
 
Mô hình làng nổi cộng sinh được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao về tính sáng tạo và đáp ứng với biến đổi khí hậu. Maru Ichi đã đăng ký Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; nhận được các giải thưởng quốc tế dành cho thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. 
 
Tuy nhiên, với một start-up non trẻ, nhóm dự án phải đối diện với không ít khó khăn, chị Phương Anh chia sẻ.
 
Trước hết, đó là khó khăn về nguồn nhân lực, về tiền vốn, về thời gian. Đặc biệt với Maru, không chỉ là doanh nghiệp khởi nghiệp cần có lợi nhuận mà nhóm dự án còn định vị mình là doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, có sứ mệnh xã hội nên con đường càng không dễ dàng.
 
board-1.jpg
dự án Maru Ichi là mô hình làng nổi cộng sinh chịu được lũ đầu tiên ở Việt Nam

 

Maru là mô hình tiên phong, chưa có mô hình nào đi trước tương tự để học hỏi, nên mọi thứ đều phải tự mày mò và tự tìm đường đi.
 
Về mặt pháp lý, nhóm cũng không thực sự thuận lợi vì các qui định của luật pháp cho loại hình doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng còn thiếu và không rõ ràng. 
 
anh-9c-3506.jpg
Tại lễ trao giải cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo 2019, chị Tô Diệu Liên, đại diện nhóm dự án vinh dự được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải đặc biệt

 

Dù vậy, với số lượng 2/3 thành viên chủ chốt của Maru là nữ, giữ các vị trí Tổng Giám đốc Điều hành và Giám đốc Dự án, tham gia vào quá trình ra quyết định, trong quá trình thực hiện dự án của mình, Maru luôn chú trọng đến yếu tố bình đẳng giới và mong muốn mang đến cơ hội cho nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái (eco-tourist), góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nữ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo 2019 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng VCIC tổ chức, Mô hình làng nổi cộng sinh làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng với biến đổi khí hậu, thí điểm tại đồng bằng sông Cửu Long đã được trao giải dặc biệt, với tên gọi Giải tiên phong.
 
Với số vốn thắng giải cuộc thi, trong vòng 12 tháng của dự án, nhóm sẽ bắt tay vào xây dựng nhà mẫu tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sau khi nhà mẫu thành hình và vận hành tốt, nhóm sẽ tiếp tục nhân rộng thành một làng thí điểm và triển khai thương mại hoá sản phẩm, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để mở rộng mô hình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm