Mở nút thắt sức khỏe cho tinh thần cộng đồng trong khủng hoảng COVID-19

An Khê
31/08/2021 - 18:32
Mở nút thắt sức khỏe cho tinh thần cộng đồng trong khủng hoảng COVID-19

Ảnh minh họa

“Bạn ơi khỏe không?” là dự án phi lợi nhuận được sáng lập bởi Thạc sĩ Lương Ngọc Tiên (One Life Connection); Doanh nhân Nguyễn Phi Vân (Vietnam Angel Network) và Tiến sĩ Vũ Duy Thức (OhmniLabs và Kambria).

Vừa qua, dự án cộng đồng: "Bạn ơi khỏe không?" đã tổ chức một buổi đối thoại thu hút hơn 700 người tham gia trực tuyến với chủ đề: "Khủng hoảng là cơ hội để chuyển hóa". Sự kiện có sự góp mặt của tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý và là tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang”. 

Dự án với mục đích kết nối đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ thể chất và tinh thần để cùng chung sức vì một Việt Nam khỏe mạnh và vững vàng vượt qua đại dịch.

“Chúng ta tái tạo ý nghĩa đời sống cho chúng ta nhờ những chấn thương”

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương định nghĩa khủng hoảng là một tình trạng mất quân bình tâm lý, được thể hiện bằng những cảm xúc tiêu cực khi một cá thể phải đối diện với một nghịch cảnh cản trở mục tiêu sinh tồn hay trưởng thành của cá thể đó. Con người khi rơi vào trạng thái khủng hoảng đối với các mục tiêu quan trọng trong cuộc sống và bị giới hạn bởi thời gian thì họ không thể giải quyết trở ngại đó theo lối thông thường. Con người có xu hướng mất cân bằng khi thất bại trong việc giải quyết vấn đề theo phương pháp cũ, dẫn đến tình trạng tuyệt vọng, bối rối và hoảng sợ. Nếu chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng bằng nguồn lực và cơ chế tâm sinh lý lâu nay sẵn có, theo lối mòn được hoạch định sẵn, thì khi khủng hoảng nổ ra, chúng ta có xu hướng “vỡ vụn” theo hoàn cảnh đó.

Mở nút thắt sức khỏe cho tinh thần cộng đồng trong khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Tuy nhiên, chính con người là tác nhân gây ra khủng hoảng, cũng là tác nhân giải quyết khủng hoảng đó. Vì vậy, tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã giới thiệu cơ chế tâm lý “Fight or Flight” – Chiến đấu hay bỏ chạy. Khi cơ thể con người bị các tác nhân bên trong ức chế sẽ hình thành trạng thái tâm lý “Fight or Flight”, nếu không có sự chuẩn bị cho nghịch cảnh thì con người dễ bị lung lay và đầu hàng trước nghịch cảnh. Con người hoàn toàn có thể chuyển biến khủng hoảng thành cơ hội bằng cách thay đổi quan niệm, tư duy hay khung nhận thức để trưởng thành hơn sau nghịch cảnh. 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng liên hệ đến thực trạng lực lượng lao động hiện nay, những người có công việc bị ảnh hưởng nặng nề, hãy bình tâm và tìm mọi nguồn lực từ vật chất đến tinh thần để cùng nhau vượt qua vì chúng ta đang sống trong một xã hội đầy ắp tình thương yêu.

Ngoài ra, tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng phân tích kỹ 2 trạng thái tâm lý sơ cấp và tâm lý thứ cấp, cũng như những cách đối phó thông thường của con người khi gặp nghịch cảnh. Theo tiến sĩ, con người nên “Hãy như bầu trời quang đãng - ngắm tất cả mây đến rồi đi”.

Khủng hoảng là cơ hội để chuyển hoá

Sự chuyển đổi quá nhanh của thế giới, của cuộc cách mạng 4.0, của tình hình đại dịch ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và làm việc. Dành ra một chút thời gian chăm sóc cho đời sống tinh thần là một việc làm cấp thiết để nuôi dưỡng bản thân, để vững tâm đi qua mọi bão giông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết phải bắt đầu yêu bản thân từ đâu, vì trước nay chưa từng xem trọng sức khỏe tinh thần. 

Host Nguyễn Phi Vân đã từng chia sẻ rằng chỉ có bạn mới biết mình cần phải học gì. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời và hoàn cảnh rất khác nhau. Tại thời điểm này, mỗi chúng ta đều đang có một mục tiêu, một hành trình, một mong muốn, một công việc, một dự án hoàn toàn khác nhau. 

Mở nút thắt sức khỏe cho tinh thần cộng đồng trong khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 2.

Host Nguyễn Phi Vân

Ngoài những hoạt động thực hành (Thiền, Yoga, Tập thở) và sự kiện chia sẻ từ các chuyên gia về cách nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nhóm cộng đồng. Dự án “Bạn ơi khỏe không?” còn lắng nghe sức khỏe tinh thần của mọi người thông qua việc mình cùng nhau chia sẻ trạng thái cảm xúc hàng ngày.

Ở đây, khán giả sẽ có những phút lắng đọng để đưa ý thức quay về với cơ thể và cảm nhận xem bản thân đang ở trạng thái cảm xúc nào (Tuyệt vời, tốt, ổn, tệ, rất tệ), cũng chính từ đó chúng ta có thể gọi tên những cảm xúc đang hiện diện bên trong, ghi nhận mức độ của từng cảm xúc và tự hỏi xem điều gì đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc này. Việc cùng nhau check-in trạng thái cảm xúc hàng ngày không chỉ giúp mỗi chúng ta hiểu được bản thân mà hành động này còn góp phần giúp dự án có cái nhìn bao quát hơn về tình trạng sức khỏe tinh thần của Việt Nam thông qua Biểu đồ sức khỏe tinh thần được xây nên từ những chia sẻ hàng ngày.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm