Mơ ước giản đơn của người mẹ khóc thầm mỗi đêm vì thương con

Bài, ảnh: An Khê
07/12/2020 - 08:33
Mơ ước giản đơn của người mẹ khóc thầm mỗi đêm vì thương con
Mang bầu đứa con đầu tiên với bao vất vả vì ốm nghén, chị Dương Thị Hồng (sinh năm 1993, sống tại Kon Tum) vui mừng khi con chào đời khỏe mạnh, đủ cân nặng. Thế nhưng khi con được 5-6 tháng tuổi thì chị Hồng phát hiện một số biểu hiện bất thường của con.

Chị Hồng nhớ lại những tháng đầu thai nghén cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, không ăn được gì chỉ cố uống chút sữa mỗi ngày. Chị phải nghỉ việc ở nhà vì không đủ sức khỏe làm việc do ốm nghén. Trong quãng thời gian chật vật mang bầu, chị vẫn định kỳ đến trung tâm y tế để khám thai và vui mừng vì thai nhi phát triển tốt.

“Chỉ mong sao con nhanh biết đứng, biết đi” - Ảnh 1.

Chị Dương Thị Hồng cùng con tập vật lý trị liệu

"Dù mệt mỏi vô cùng nhưng thấy thai nhi khỏe mạnh là mình lại cố gắng. Mình cũng tìm hiểu những loại thực phẩm tốt cho bà bầu để đảm bảo dinh dưỡng cho con vì sang tháng thứ 6 không còn nghén nữa. Trong quá trình mang thai mình vẫn theo dõi con đạp, nếu không thấy đạp là đi khám ngay. Bản thân 2 vợ chồng cùng học Trung cấp Y Tây Nguyên nên ít nhiều có hiểu biết. Khi mang bầu, mình rất cẩn thận trong ăn uống, gia đình tiền sử không ai bị bệnh di truyền, vậy mà...", chị Hồng nghẹn ngào.

Hồi ấy, thai nhi to, xương chậu của chị lại hẹp nên không đẻ thường mà được bác sĩ chỉ định mổ. Ngày 15/8/2018, bé Tú ra đời khỏe mạnh và đủ cân nặng như bao đứa trẻ khác. Gia đình hai bên vui mừng đón cháu. Thế nhưng, con được 5-6 tháng tuổi thì chị Hồng phát hiện ra một số biểu hiện bất thường của con như ít khóc, không lẫy, nếu có lật được người thì không ngẩng đầu lên được, cứ nằm im, tay nắm chặt không thả ra. Mặc dù bé vẫn ăn uống bình thường, vệ sinh tốt nhưng vận động kém.

Trước sự bất thường của con, năm 2019, chị Hồng đã đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Bác sĩ kết luận con của chị bị bất sản thể trai (ảnh hưởng vận động và tinh thần – bẩm sinh từ trong bào thai). Không chỉ chị Hồng mà cả gia đình nội ngoại đều hoang mang. Chị Hồng suy sụp tinh thần mất một thời gian vì lo lắng cho con. Được sự động viên của gia đình, chị gạt nước mắt tiếp tục cùng con "chiến đấu" với bệnh tật.

Kinh tế gia đình vốn không khá giả nay lại phải nghỉ việc chăm con, chị Hồng đành để chồng gánh vác kinh tế gia đình còn chị ra Hà Nội thuê trọ chăm con. Không biết bao nhiêu vất vả, tốn kém, vậy mà chị đã cùng con vượt qua được hai năm có lẻ. Giờ đây bé đã hơn hai tuổi, có thể tự ngồi dậy chơi, gọi được vài câu "bà, bà", tuy nhiên nhận thức chỉ như đứa trẻ 13-14 tháng tuổi.

Chị Hồng cho biết: "Đầu tiên, gia đình cho bé đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, sau đó mang con ra Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội để kiểm tra lại. Các bác sĩ kết luận là con bị bại não. Hai vợ chồng tôi đã làm tất cả các xét nghiệm nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ chỉ cho biết cần theo dõi thêm để xem não có bị úng thủy không, còn nếu đầu cháu phát triển bình thường thì chỉ ở mức chậm phát triển. Hiện giờ, tôi đang cho con tập phục hồi chức năng. Bác sĩ cũng không nói hồi phục bao nhiêu % hay có hồi phục được không. Vì thế, mình rất hoang mang, lo lắng nhưng chẳng còn cách nào khác là tiếp tục chiến đấu cùng con".

Từ khi sinh con đến nay, chị Hồng đã có lúc tự động viên mình vui vẻ lên thì con mới vui nhưng không biết bao đêm nước mắt của người mẹ cứ lặng lẽ rơi. Những suy nghĩ tiêu cực, buồn lo ám ảnh chị, nhất là khi nhìn thấy những đứa trẻ khác lớn lên, trưởng thành và gọi hai tiếng "mẹ ơi!". Hiểu và chia sẻ nỗi đau cùng vợ, chồng chị tập trung làm kinh tế để vợ yên tâm chăm sóc con.

Sau một thời gian trị liệu, hiện bé Tú đã được 12kg, tự ngồi dậy được. Đó là bước tiến nhỏ nhưng là nguồn động viên lớn với gia đình. "Bé đang tập ngôn ngữ trị liệu, không mấy khi ốm sốt, không thích người lạ. Mình chỉ mong sao con nhanh biết đứng, biết đi để còn đi học. Mơ ước của mình chỉ đơn giản vậy thôi", chị Hồng tâm sự.

Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bé Tú đã ngồi dậy được, đây là mốc vận động quan trọng, tiên lượng con có thể tự đứng, đi. Nhận thức của con chậm nên cùng với tập vận động con cần tập luyện để tăng cường khả năng hiểu và diễn đạt các nhu cầu. Con cũng cần được huấn luyện các chức năng sinh hoạt sớm. Mẹ của bé có kiến thức về y học, đồng thời có tinh thần cố gắng học hỏi để tự tập thêm cho con. Đây là yếu tố quan trọng trong tiên lượng khả năng tiến bộ của con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm