VBS 2018 có chủ đề "Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy" thu hút sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu thế giới. VBS 2018 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ tiếp cận các đối tác tầm cỡ toàn cầu, giúp họ tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và bàn về các dự án hợp tác cụ thể, đồng thời nắm bắt được những xu hướng và mô hình kinh doanh mới.
Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, những cơ hội mới trong đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, kết cấu hạ tầng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là hội nghị hưởng ứng kết quả của diễn đàn WEF ASEAN 2018 và định hướng kinh doanh ở Việt Nam, tập trung vào 2 điểm quan trọng là kết nối và sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, trên nền tảng nền kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Hiện có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế.
Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm,… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Với “mỏ vàng” nông nghiệp tiềm năng còn chưa được khai thác hết, đây sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trông đợi.
Nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp quốc tế cùng“nắm chặt tay” các doanh nghiệp Việt Nam để cùng xây dựng nên các chuỗi giá trị có trách nhiệm toàn cầu.