Mối lương duyên ở Bà Nà Hills

17/02/2018 - 08:33
French Village (Làng Pháp) của Bà Nà Hills là câu chuyện về mối lương duyên Việt - Pháp. Có lẽ, bạn cũng nên tìm mối lương duyên của mình với Bà Nà bằng một một hành trình khám phá, cảm nhận và tận hưởng.
Khi đến thăm French Village của Bà Nà Hills, ngài Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier đã vô cùng hào hứng thốt lên: "Tôi thấy như đang ở quê nhà!". Còn bà Eva Nguyễn Bình, Tham tán Văn hóa của Đại sứ quán Pháp, một phụ nữ gốc Việt và cũng là phu nhân của ngài Đại sứ Pháp, thì đánh giá rất cao nỗ lực tái hiện những tinh túy của kiến trúc Pháp ở khu nghỉ dưỡng này.

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà

Để thể hiện sự yêu mến với Bà Nà Hills, với Làng Pháp, bà Eva Nguyễn Bình đã tự nguyện nhận làm cố vấn văn hóa để “thổi hồn Pháp” cho Bà Nà bằng việc tổ chức thêm những không gian văn hóa, ẩm thực, giải trí sao cho đúng với sự tinh tế, quyến rũ ở nơi này…

Còn tôi, khi nghe câu chuyện đó và chiêm ngưỡng không gian kiến trúc của Làng Pháp, của Bà Nà Hills, tôi lại nghĩ đó là một mối lương duyên như chính mối tình của ông bà Đại sứ, như chính mối quan hệ Việt - Pháp; “mưa dầm thấm lâu”, có những thăng trầm, rồi hòa hợp, gắn bó, đẹp, lãng mạn nhưng cũng nhiều trăn trở…
 
Câu chuyện về mối lương duyên Việt Pháp ở Bà Nà có lẽ không chỉ bắt đầu khi đại úy bộ binh Pháp De Bey “phát hiện” ra Bà Nà “Một ngày trên đỉnh núi có đủ 4 mùa: sáng - xuân, trưa - hạ, chiều - thu và tối - đông” để sau đó 10 năm, Toàn quyền Đông Dương đã cho xây dựng “Kinh đô nghỉ mát của xứ Trung Kỳ” - một trong những nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương với hơn 200 biệt thự sang trọng mang phong cách kiến trúc Pháp độc đáo.

Kiến trúc thu hút của Làng Pháp

Câu chuyện được bắt đầu sớm hơn nhiều, từ khi vua Gia Long “tặng” cho Pign De Aune, nhà truyền giáo người Pháp có công giúp ông xây dựng nhà Nguyễn, một món quà - đó là ngọn núi tuyệt đẹp như miền tiên cảnh ở Đà thành.

Trong nỗi niềm tha hương, xa xứ, Pign De Aune đã phác thảo và dự định xây dựng một “Làng Pháp” hội đủ những không gian kiến trúc và văn hóa của đất nước quê hương mà ông đã gặp trong chuyến đi thuở thiếu thời ngay trên đỉnh Bà Nà khói sương hư ảo.

Tiếc là, mơ ước của Pign De Aune vẫn chỉ nằm trong nhật ký của ông… Cũng như tiếc sau gần 1 thế kỷ với tác động của thiên tai và chiến tranh, dấu tích các lâu đài, nhà nghỉ cổ xưa trên đỉnh Bà Nà chỉ còn là sự rêu phong, đổ nát.
         
Tuy nhiên, như là “lương duyên tiền định”, câu chuyện Bà Nà lại được tiếp nối vào đầu thế kỷ 21 bằng một tổ hợp nghỉ dưỡng trên núi bậc nhất Đông Nam Á, mang phong cách kiến trúc Pháp nhưng cũng đậm sự kế thừa có chiều sâu của người Việt, để tạo nên dấu ấn rất riêng biệt, rất Bà Nà.

French Village (Làng Pháp) của Bà Nà Hills là câu chuyện về mối lương duyên Việt - Pháp.

Đó chính là Bà Nà Hills, mà điểm nhấn là ngôi Làng Pháp tái hiện nhật ký hành trình quanh nước Pháp đầy cảm xúc của Pign De Aune.

Có lẽ, phải là người đã đến với nước Pháp, nơi không chỉ nổi tiếng bởi những cánh đồng oải hương tím thơm đến nao lòng, kinh đô thời trang hoa lệ mà còn bởi những không gian kiến trúc lịch lãm, hào hoa mang đậm dấu ấn thời gian và những ngôi làng như hiện ra từ trong cổ tích… thì mới cảm nhận được hết sự tinh tế của không gian Pháp trên đỉnh Bà Nà.

Philip Andrew Hocking chia sẻ rằng, dù là người Pháp, nhưng khi hình thành và xây dựng ý tưởng kiến trúc cho French Village, ông đã phải trăn trở rất nhiều để có thể kể câu chuyện về đất nước mình qua con mắt của tiền nhân bằng ngôn ngữ kiến trúc.

Bằng tài năng, sự tinh tế của một kiến trúc sư say đắm với văn hóa Pháp, ông đã truyền tải lại cảm hứng đó qua những bản vẽ và đến giờ thì nó đã hiện lên với tất cả sự thơ mộng, cổ kính, trầm mặc trong một không gian đầy chất thơ nơi đây.

Rất dễ dàng nhận thấy ở Làng Pháp, mỗi con đường, mỗi cánh cửa, mỗi căn phòng và mỗi quán cà phê đều mang một tâm hồn riêng hòa vào kiến trúc tổng thể.

Rất dễ dàng nhận thấy ở Làng Pháp, mỗi con đường, mỗi cánh cửa, mỗi căn phòng và mỗi quán cà phê đều mang một tâm hồn riêng hòa vào kiến trúc tổng thể. Trong mọi ngõ ngách tuyệt đẹp của không gian Làng Pháp, ta có thể cảm nhận hơi thở của văn hóa Pháp - không gian xưa cũ tuyệt đẹp trong sương khói huyền ảo Bà Nà.

Ở đây, ta như đang đứng trước nhà thờ thánh St. Denis - đức thánh bổn mạng cho thủ đô Paris, để ngắm những gì tinh túy nhất của kiến trúc Gothic đầy khoáng đạt nhưng cũng hết sức kiêu kỳ và tạo ra uy lực tôn nghiêm.

Ta cũng như được lạc bước ở thung lũng sông Loire để tận hưởng vẻ đẹp tráng lệ của lâu đài Chenonceau… hay thong thả dạo chơi ở thị trấn Denis ngoại ô Paris thơ mộng, ở thị trấn duyên hải Eze đầy nắng và tận hưởng không gian thanh bình êm ả ở những ngôi làng nguyên sơ nhất thời trung cổ như Conques Aveyron…

Song, sẽ là khiên cưỡng khi nói đến Bà Nà Hills là thấy mình đang ở Pháp. Nói thế thì cũng chẳng còn là câu chuyện về một mối lương duyên. Giữa không gian Pháp trên đỉnh Bà Nà, ta vẫn thấy những gì rất Việt.

Đó là tiếng chuông chùa ngân vang, là những dị thảo kỳ hoa khoe sắc, là khói sương bảng lảng, là sự tuyệt mỹ của một chốn địa đàng nhiệt đới và những nụ cười hồn hậu Á Đông… Chính sự hòa quyện Á - Âu, sự tiếp biến Pháp - Việt đã làm nên một bản sắc riêng cho Bà Nà, cho Làng Pháp.

Có lẽ, bạn nên tìm mối lương duyên của mình với Bà Nà bằng một một hành trình khám phá, cảm nhận và tận hưởng.

Giữa chốn địa đàng trong mây, trong “giai điệu bốn mùa”, trong không gian nghỉ dưỡng đậm chất Âu châu, bạn có thể nghĩ, có thể trải nghiệm về một nước Pháp hoài niệm nhưng cũng có thể đắm mình vào những gì rất Việt khi tự mình khám phá thiên nhiên hùng vĩ, huyền ảo của danh thắng quê hương, tự mình thỉnh lên tiếng chuông từ Linh Ứng tự và lặng ngắm một Đà Nẵng “núi trong lòng biển” từ chính nơi đây - đỉnh Bà Nà, “sân thượng” của thành phố bên sông Hàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm