Mỗi nhà hàng ở Tokyo được cấp 400 triệu đồng/tháng nếu đóng cửa trước 8h tối để chống dịch Covid-19

N.A
07/01/2021 - 22:24
Mỗi nhà hàng ở Tokyo được cấp 400 triệu đồng/tháng nếu đóng cửa trước 8h tối để chống dịch Covid-19

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: Japan Times

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp 1 tháng ở Tokyo và các khu vực lân cận trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục tại Xứ sở mặt trời mọc.

Cụ thể, thủ đô Tokyo cùng 3 tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba sẽ trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 8/1 đến ít nhất 7/2/2021 do sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19.

Tokyo là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19

Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một số hạn chế đối với cuộc sống hằng ngày của người dân ở những vùng trong tình trạng khẩn cấp trước dịch Covid-19. Ông Suga đã ra lệnh cho các công ty khuyến khích nhân viên của họ làm việc tại nhà và giảm 70% dân số văn phòng. Ngoài ra, cư dân của các khu vực bị ảnh hưởng cũng được đề nghị không tổ chức các chuyến đi chơi, du lịch không cần thiết.

Các nhà hàng được yêu cầu đóng cửa trước 8 giờ tối. Thủ tướng Suga cho biết, chính phủ sẽ cấp 1,8 triệu yên (17.400 USD, tương đương 400 triệu đồng)/tháng cho mỗi nhà hàng tuân theo yêu cầu rút ngắn giờ hoạt động của họ.

Một điều đáng chú ý là dù áp dụng tình trạng khẩn cấp nhưng các trường học ở Tokyo và các khu vực lân cận vẫn sẽ vẫn mở cửa. "Đã có rất ít trường hợp lây nhiễm bệnh học đường từ trường học sang cộng đồng và chúng tôi muốn bảo vệ cơ hội học tập của các học sinh", Thủ tướng Suga cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 7/1.

Khu vực Tokyo rộng lớn là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lần đầu tiên vượt qua 2.000 trường hợp nhiễm Covid-19/ngày vào thứ Năm tuần này với 2.447 ca nhiễm mới, theo số liệu cập nhật từ chính quyền thủ đô Tokyo.

Số lượng bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm nặng cần nhập viện cũng tiếp tục tăng tại đây. Ở Tokyo, có 121 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng vào thứ Năm và hơn 3.000 người đang được chăm sóc y tế tại bệnh viện. Trên toàn quốc, số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng đã tăng 13 người vào thứ Tư (6/1), lên 784 người và 41.054 người phải nhập viện.

Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo - Ảnh 1.

Thủ tướng Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 7/1. Ảnh: Japan Times

Ông Takaji Wakita, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia, tuyên bố: "Nhìn vào số người mới mắc bệnh trong tuần trước, chỉ riêng Tokyo đã chiếm 1/4 tổng số người trên toàn quốc. Rất khó kiểm soát sự bùng phát Covid-19 ở các vùng nông thôn trừ khi chúng ta phải kiềm chế sự lây lan của virus trong khu vực đô thị ngay lập tức".

Nguy cơ hoãn tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vì dịch Covid-19

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa hoãn các sự kiện thể thao tại Tokyo, nhưng đã hạn chế số lượng khán giả có mặt. Bất chấp việc Tokyo và các khu vực lân cận đã ở trong tình trạng khẩn cấp, chính phủ nước này vẫn có ý định tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào tháng 7/2021.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng khẳng định, Thế vận hội Tokyo sẽ được tổ chức vào mùa hè này từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, với các lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức tương xứng để phù hợp với "sự đơn giản hóa tổng thể của Thế vận hội".

Cả IOC lẫn chính phủ Nhật Bản đều không muốn hoãn việc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo nhưng tình trạng phức tạp của đại dịch Covid-19 tại đây khiến họ không thể không tính đến khả năng này.

Hôm thứ Tư (6/1) vừa qua, Nhật Bản đã ghi nhận 5.953 ca nhiễm Covid-19 mới, số ca nhiễm hằng ngày cao nhất và lần đầu tiên số ca nhiễm vượt mốc 5.000 ca - và 72 ca tử vong. Toàn Nhật Bản đã tăng lên 259.105 ca nhiễm Covid-19, với ít nhất 3.804 trường hợp tử vong.

Ngày 7/1, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết, trong thời gian tới, họ sẽ hoãn các cuộc triển lãm của ngọn đuốc Thế vận hội Tokyo "để giảm bớt dòng người và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19". Ngọn đuốc đã được trưng bày ở một số thành phố từ tháng 11/2020 và sẽ được khởi động lại trong tuần này, nhưng không loại trừ kế hoạch này sẽ bị đình lại nếu số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng.

Các quan chức y tế Nhật Bản cũng đã liên tục kêu gọi người dân giảm các hoạt động hằng ngày, đề cao cảnh giác và chỉ ăn tối với số lượng ít. Mặc dù vậy, những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đó dường như không còn đủ để ngăn chặn đại dịch lây lan.

Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo - Ảnh 2.

Một y tá thu thập mẫu tăm bông tại trung tâm xét nghiệm PCR coronavirus Covid-19 tại Bệnh viện Fujimino ở Miyoshi-machi, Nhật Bản. Ảnh: CNN

Hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa có các hình thức xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ các yêu cầu của chính quyền. Sắp tới, chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật về các biện pháp đặc biệt để ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có cả chuyện truy tố hình sự những kẻ vi phạm, nhằm tăng cường hiệu quả của các biện pháp phòng chống Covid-19.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý và thực hiện các kế hoạch chống dịch của chính phủ, người dân Nhật Bản cần nâng cao ý thức và triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đây mới là nhân tố mang tính quyết định trong việc kiểm soát Covid-19 tại Nhật Bản.


Nguồn: Theo CNN, Japan Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm