Môn học kỹ năng sống: Người dạy đi thuê, giáo trình tự soạn

20/09/2017 - 08:25
Môn Kỹ năng sống đã được nhiều trường tổ chức thu tiền và dạy trong vài năm gần đây. Vậy nhưng, cả phụ huynh (PH) và giáo viên (GV) đều không hài lòng với những gì môn học mang lại cho con/học sinh (HS) của họ.

Kỹ năng phải gắn với hoạt động thường nhật

Ngày 28/1/2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản gửi các Sở GD&ĐT địa phương hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo hướng dẫn, các cơ sở giáo dục được phép chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

Theo hướng dẫn này, các cơ sở giáo dục có thể liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt dộng giáo dục kỹ năng sống. Khuyến khích các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị vừa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho người học vừa có chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên (GV) về giáo dục kỹ năng sống.

Có thể nói, văn bản này như một “cánh cửa” rộng mở cho các trường, theo đó tổ chức dạy tùy khả năng, điều kiện của mỗi trường. Số tiền học theo tinh thần xã hội hóa cũng theo đó biến hóa theo.

anh_bai_viet.jpg
Bộ GD&ĐT đồng ý việc dạy KNS một cách linh hoạt, đồng ý chủ trương xã hội hóa. Ảnh minh họa 

Điều mà PV ghi nhận là không phải PH nào cũng tỏ ra mặn mà và tin tưởng giờ học có giáo trình và GV giảng dạy riêng này. Chị Bùi Thủy có con gái học tiểu học ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, giáo trình môn học này chưa được Bộ GD&ĐT thống nhất mà lấy lại từ một số công ty tự biên soạn. Các trường tự tìm các đơn vị và hợp đồng và theo đó mà mỗi trường dạy một kiểu khác nhau.

“Học phí cũng không phải là thấp, nhưng điều quan trọng hơn cả là giáo trình các nơi không thống nhất nên PH đành phó mặc cho nhà trường tự tổ chức mà không rõ hiệu quả môn học sẽ đến đâu”- nữ PH băn khoăn.

Về điều này, chị Thu Hải- PH có con vừa được học Kỹ năng sống từ năm học mới này tại Đồng Hới (Quảng Bình) cũng băn khoăn khi con trai về nhà “khoe” với mẹ là trong buổi học kỹ năng sống con được học về cách vệ sinh răng miệng và rửa tay đúng quy trình.

“Đồng ý là có học kỹ năng sống và chúng tôi cũng hào hứng khi cho con tham gia với mong muốn con được trang bị nhiều kỹ năng mềm hơn, nhưng tôi được biết những nội dung cơ bản như con kể thực ra con đã được học từ mẫu giáo rồi. Lên lớp 1 lại tiếp tục học, tôi thấy không phù hợp, không cần thiết! Hơn nữa có những kỹ năng mà bố mẹ dạy hàng ngày tốt hơn thay vì phó mặc hết cho GV hướng dẫn chỉ trong vài buổi học, vì kỹ năng nó phải gắn với hoạt động thường nhật”- chị Hải nói.

Xem lại chủ trương xã hội hóa môn học

Gánh nặng tiền học của con, đặc biệt đầu năm học, vốn dĩ đã không hề nhẹ với với các bậc cha mẹ. Cứ thêm một khoản được liệt kê ra là thêm một lần PH thấy xót. Mỗi thứ một ít, cộng lại thành một khoản lớn là điều khiến rất nhiều PH lo lắng.

Khoản tiền học kỹ năng sống cũng không là ngoại lệ, bởi các PH cho rằng việc học là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới dạy học theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, giảm nhẹ kiến thức mà Bộ GD&ĐT luôn hướng đến.

Chính vì thế, nhiều PH cho rằng, không nhất thiết dạy kỹ năng sống phải mua bài giảng từ các công ty trên thị trường mà có thể lồng ghép vào các môn học chính khóa.

“Tại sao nhà trường không lồng ghép và xem môn học Đạo đức là môn kỹ năng sống, hoặc cân đối giờ học, môn học để lồng ghép các nội dung dạy kỹ năng vào chương trình học thay vì cố để tách bạch riêng ra, tổ chức thu tiền, rồi thuê hợp đồng rất rình rang”- chị Bùi Thủy đặt vấn đề.

Theo chị, các môn học chính khóa đều có thể lồng ghép kỹ năng sống vào được như giáo dục công dân, sinh học. Thậm chí, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tùy vào điều kiện không gian, cơ sở vật chất của trường để tổ chức các hoạt động tăng kỹ năng sống cho HS.

“Chúng tôi không tiếc tiền để đầu tư cho con học thêm các kỹ năng mềm, nhưng phải đầu tư đúng và có chất lượng. Ngoài việc học chính khóa, nếu nhà trường tổ chức các buổi gặp gỡ chuyên gia tâm lý, các buổi đào tạo kỹ năng từ những đội ngũ chuyên biệt, trường có thể tổ chức thu theo từng hoạt động cụ thể để chi trả cho hoạt động này. Cách làm này vừa giảm áp lực đóng tiền, vừa tập trung có chất lượng, tạo niềm tin cho PH”- nữ phụ huynh chia sẻ.

Trước đây, từng có vụ việc “lùm xùm” trên báo chí khi HS ở Hà Nội được học kỹ năng sống bằng những quyển giáo trình chưa được Bộ GD&ĐT kiểm duyệt, trong đó có buổi dạy học sinh… đi trên thủy tinh. PH đã từng rất bức xúc khi chính các GV đang dạy cho con mình những kỹ năng gây nguy hiểm đến tính mạng với ngụy biện là dạy các em thử thách… lòng dũng cảm (!). Những cuốn sách này đã bị thu hồi, như một bài học đắt giá cho ngành giáo dục về việc kiểm định việc giảng dạy kỹ năng sống đang bị thả nổi hiện nay.

Giáo viên phản đối

Cô giáo Nguyễn Thị Hải (GV tiểu học ở TP.Vinh, Nghệ An) nêu quan điểm, nếu ngành giáo dục thành phố chủ trương đưa kỹ năng sống vào nhà trường như một môn học chuyên biệt, hợp đồng với các công ty thì bản thân cô là người phản đối đầu tiên.

“Nếu là tôi, cầm tiền của PH để đóng cho khoản thu này là điều không đành, vốn dĩ việc thu tiền trường đầu năm đã luôn cảm thấy xót xa cho các PH rồi! Nên xem kỹ năng sống là cách dạy định hướng, lồng ghép vào nội dung chính khóa, linh hoạt tùy theo điều kiện từng trường. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nên tìm cách chấn chỉnh hoạt động dạy bộ môn này, bởi nếu xem việc dạy kỹ năng sống là chủ trương cho chương trình giáo dục mới, cần xem đây là nội dung của chương trình học chính khóa thay vì “thương mại hóa”, là một kênh để các trường "có thêm thu nhập" như hiện nay!”- cô Hải cho hay.

* Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho HS phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự quản, chủ dộng, sáng tạo của HS; căn cứ điều kiện của nhà truờng, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của HS để tổ chức các hoạt động giáo dục Kỹ năng sống cho HS, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cuỡng; không gây áp lực, không ép buộc HS tham gia. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của phụ huynh HS, các đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Nội dung giáo dục hướng tới giáo dục cho nguời học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt. Nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với từng lứa tuổi và tiếp tục được rèn luyện theo mức độ tăng dần, mục tiêu rõ ràng theo từng nhóm tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm