Tại sao cứ phải vào cơ quan nọ, công ty kia mới là đi làm?

Nguyễn Thùy Linh (Linh Đàm, Hà Nội)
05/07/2021 - 09:00
Nếu Hội Phụ nữ tổ chức được những hoạt động thiết thực gắn với thực tiễn cuộc sống, chắc chắn hội viên sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn với tổ chức Hội.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi từng có 2 năm làm cho một tạp chí của một Bộ. Sau đó tôi chuyển sang làm PR cho công ty viễn thông ngoài nhà nước. Hơn 10 năm công tác tại các cơ quan cả trong và ngoài nhà nước, tôi vẫn nhận thấy mình bị sức ỳ rất lớn.

Tôi từng nghĩ mình sẽ không làm được gì ngoài việc làm công ăn lương. Mức lương tôi nhận về khiêm tốn, khéo tiêu thì chỉ đủ cho bản thân. Thêm nữa lại rất gò bó về thời gian nên không làm thêm được gì. Bố mẹ thì luôn động viên tôi, thôi cứ đi làm công cho chắc ăn, công việc ổn định, không lo thất nghiệp. Vai trò trụ cột trong nhà để chồng tôi lo. Tôi là phụ nữ, cứ "làng nhàng" một chút cũng không sao. Hết ngày thì về nhà chăm chồng, con, chi tiêu thì đợi chồng đưa tiền.

Công ty viễn thông nơi tôi làm việc có dấu hiệu đi xuống rồi phá sản. Tôi đi nộp hồ sơ xin việc đến nhiều công ty khác để ứng tuyển, nhưng may mắn không đến. Và rồi ngày tôi phải nghỉ việc thật cũng đến. Tôi phút chốc trở thành bà nội trợ, không có việc làm, chỉ ở nhà nội trợ, chăm con cái. Chồng vẫn yêu thương, ủng hộ tôi, còn nói thôi "ở nhà chồng nuôi". Nhưng tôi vẫn hụt hẫng, hoang mang, thấy cuộc sống của mình có phần gò bó, tù túng.

Thế rồi, mấy người bạn thân đang đi làm, nhờ tôi rảnh thì làm hộ vài món ăn. Tôi đang là tỷ phú thời gian nên nhận làm hộ, chỉ lấy tiền mua nguyên liệu, còn không tính công. Tối rảnh, tôi lại đăng mấy món lên facebook cá nhân cho vui.

Về sau, bạn bè phản hồi con cái họ rất thích ăn những món tôi làm. Bạn bè nhắn, tôi làm thêm đi, họ sẽ trả công đàng hoàng. Tự nhiên lúc đó trong đầu tôi lóe lên rằng hay thử mở bếp bán đồ ăn xem sao. Tại sao mình cứ phải đi làm ở công ty nọ, cơ quan kia mới là đi làm? Tại sao họ không nhận tôi thì tôi phải chịu ở nhà, phụ thuộc vào chồng?

Từ đó tôi bắt đầu chăm đăng món ăn lên trang cá nhân hơn, mạnh dạn nói là mình làm để bán. Chồng tôi lại thích công việc này của tôi vì tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình vừa vẫn có thể kiếm tiền. Thu nhập ban đầu của tôi còn khiêm tốn, nhưng cả tôi và chồng đều trân trọng vì đó là công sức tôi làm ra. Tôi thì đặc biệt vui vì thấy mình vẫn có ích, vẫn có thu nhập...

Khi chồng tôi mở công ty riêng, anh đã đưa mảng ăn uống, thực phẩm của tôi vào danh mục được kinh doanh của công ty. Anh nói biết đâu sau này cần. Và tôi đi lên từ đó. Với số vốn ban đầu "vay" của chồng là 500 nghìn để "đầu tư" mua nguyên liệu, dần dần tôi bắt đầu quen và thấy thích công việc này.

Sau một thời gian làm nhỏ lẻ quen khách đã có nhiều khách hỏi tôi có hóa đơn, có công ty hay không để ký hợp đồng làm đối tác. Vậy là từng bước tôi đã đi xa hơn điều tôi mong muốn. Tôi ký hợp đồng cung cấp thực phẩm, đồ ăn, tiệc teabreak... với một vài công ty. Và tôi tìm ra một cái tên "thương hiệu" cho mình: Lavender cook.

Mong Hội LHPN tổ chức được các hoạt động thiết thực với hội viên - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thùy Linh, chủ thương hiệu Lavender cook

Làm bếp online nói riêng cũng như tự kinh doanh nói chung có mặt tích cực là làm tại nhà, chủ động về thời gian và không gian. Vì vậy rất tốt cho việc chăm sóc gia đình, ít nhất là về bữa ăn hàng ngày. Tất nhiên cũng có những lúc rất bận, không nấu được cơm cho gia đình. Tôi đã cố gắng sắp xếp để hài hòa mọi thứ như không nhận quá nhiều đơn cho 1 ngày để đảm bảo chất lượng món ăn nhà làm, mặt khác là có thời gian nghỉ ngơi tái tạo năng lượng.

Còn nhớ lúc đầu, khi tôi muốn kiếm tiền bằng việc nấu ăn, bố mẹ hai bên nghĩ rằng, chẳng sớm thì muộn tôi cũng sẽ kêu vất vả, rồi nản chí và giải tán. Các ông thì nói cho ăn học tử tế để bây giờ đi làm bếp, phí công. Đấy chính là tư duy cổ điển của không ít cha mẹ chúng ta thời bao cấp. Tất cả những điều đó chỉ càng khiến tôi có thêm động lực để bước về phía trước và chứng minh rằng, chỉ cần phụ nữ muốn, họ sẽ thành công theo cách riêng của mình.

Giờ đây, Lavender cook đã đi vào hoạt động được 7 năm rưỡi, cho tôi một mức thu nhập khá hơn, mở hơn rất nhiều thời tôi còn đi làm công ăn lương. Khoảng thời gian hoạt động tuy chưa phải quá lâu nhưng cũng khẳng định Lavender cook có chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhất là thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, tôi càng thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn.

Nói chung, theo tôi, phụ nữ nên có công việc và thu nhập độc lập. Điều này giúp họ tự tin hơn, sống tốt hơn và có thể đối phó với những khó khăn trong cuộc sống khi có những bất trắc xảy ra.

Tuy nhiên, tôi cũng mong tổ chức Hội LHPN sẽ cập nhật được những công nghệ mới, phù hợp với thực tế ở địa phương. Thí dụ như bên cạnh việc mở các khóa dạy nghề, Hội có thể tổ chức các buổi hướng dẫn sử dụng các thiết bị thông minh (vốn không phải là điểm mạnh với phụ nữ trung niên), cách quản trị các trang fanpage, hay làm thế nào để các buổi livestreams bán hàng có thể "hút khách"… Làm được những hoạt động thiết thực này, hội viên sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn với tổ chức Hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm