Một hoạt động ý nghĩa cha mẹ nhất định phải hướng dẫn con thực hiện dịp đầu năm

Ứng Hà Chi - Ảnh: NVCC
23/01/2023 - 14:24
Khai bút đầu xuân là cách lưu giữ truyền thống, khích lệ con cháu đời sau tiếp tục giữ vững tinh thần hiếu học.

Tục khai bút đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam với ước muốn một năm mới may mắn, thi cử đỗ đạt, sự nghiệp hanh thông như diều gặp gió. Cứ đầu năm, người dân, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, người làm nghề viết lách... lại cầm bút lên để viết những dòng chữ đầu tiên thật ý nghĩa. 

Với nhiều phụ huynh, cùng con khai bút là hoạt động không thể thiếu, vừa dạy con về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa giúp nâng cao tinh thần học tập của con. Thông qua hoạt động này, trẻ sẽ cảm nhận được bản thân đã trưởng thành, có trách nhiệm và ý thức hơn, đã có thể tự lập trong việc học để đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ và chính bản thân.

Dạy con về truyền thống hiếu học

Năm nào cũng vậy, sau khi dâng mâm cơm cúng tổ tiên xong xuôi, Anh Vũ Phong, 43 tuổi (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đều nhắc các con thực hiện phong tục khai bút đầu năm. Các con sẽ ngay ngắn ngồi vào bàn học, lấy một cuốn vở và một chiếc bút rồi nắn nót viết những câu chúc ý nghĩa hoặc bài thơ hay. 

Trước khi khai bút, anh Phong cũng nhắc các con mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, sau đó chuẩn bị bút viết cẩn thận, kiểm tra bút kỹ càng để tránh khi đang khai bút gặp trục trặc như hết mực, tắc mực… Bên cạnh đó, các con cũng cần chuẩn bị một cuốn vở mới có bìa màu hồng hoặc màu đỏ. Anh Phong không quên dặn các con dọn dẹp bàn học sạch sẽ, gọn gàng và chọn trước nội dung mong ước viết. 

Một hoạt động ý nghĩa cha mẹ nhất định phải hướng dẫn con thực hiện dịp đầu năm: Trẻ sẽ hiếu học, nỗ lực đạt kết quả quả - Ảnh 1.

Anh Vũ Phong và con trai.

Anh Vũ Phong hồ hởi chia sẻ: "Thật ra nhiều nhà khá kỹ lưỡng, họ sẽ xem giờ đẹp để cho con khai bút. Nhưng gia đình tôi khá đơn giản. Tôi nghĩ ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động này là giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, trẻ sẽ yêu thích, hứng thú và quyết tâm hơn trong học tập. 

Bên cạnh đó, sau khi con viết những dòng chữ đầu tiên xong, hai bố con tôi sẽ cùng thảo luận về một bài Toán khó. Cảm giác giải được bài tập hóc búa vào dịp đầu năm khá tuyệt vời. Tôi thấy con vui mừng, hãnh diện. Còn tôi hạnh phúc khi thấy con ham học". 

Nhắc con về những điều cần tránh khi khai bút

Cũng như anh Phong, chị Ngọc Lan, 37 tuổi (tỉnh Phú Thọ) cũng nhắc nhở con duy trì hoạt động khai bút đầu năm. Thông qua hoạt động này, chị Lan muốn con hiểu được truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí… nên con cần thực hiện để bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới. 

Không chỉ chép lại các tác phẩm văn học, những câu chúc Tết hay, chị Lan còn khuyến khích con viết thiệp đầu xuân để gửi lời chúc chân thành tới ông bà, cha mẹ, bạn bè hoặc viết ra tâm nguyện, mục tiêu phấn đấu trong năm nay. 

Một hoạt động ý nghĩa cha mẹ nhất định phải hướng dẫn con thực hiện dịp đầu năm: Trẻ sẽ hiếu học, nỗ lực đạt kết quả quả - Ảnh 2.

Chị Ngọc Lan ngồi xem con viết những dòng chữ đầu tiên trong một năm.

Để tục khai bút đầu năm diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, chị Lan cho biết: "Sáng mùng 1, 8 giờ con ngồi vào bàn học để viết những dòng chữ đầu tiên trong năm mới. Tôi nhắc con cần giữ tâm thế nghiêm túc, tập trung để thể hiện sự tôn trọng với nghi thức khai bút. Đặc biệt, con không được bỏ dở những điều đang viết, không sao chép nội dung của người khác, nên viết những gì bản thân tự nghĩ".

Ngắm những dòng chữ nắn nót, chị Lan dành lời khen tới con. Chị không quên chúc con năm mới cần cố gắng học tập hơn nữa để có thể chinh phục ước mơ của mình. 

Ý nghĩa phong tục khai bút đầu xuân

Người xưa thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại... Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó những điều ước nguyện về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.

Các ông đồ hay các nho sĩ thời xưa thường viết câu đối hoặc viết một chữ thật đẹp để treo trong nhà, có người chỉ viết ngày tháng năm và một vài câu mang ý nghĩa may mắn. Cũng có người viết lên những mong muốn của mình trong năm mới hay đơn giản là chép lại những đoạn văn hay, những bài thơ, câu tục ngữ, danh ngôn ý nghĩa.

Một số câu đối, câu thơ hay mà cha mẹ có thể khuyên trẻ dùng để khai bút đầu năm:

- "Xuân an khang đức tài như ý/Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên".

- "Tân niên, tân phúc, tân phú quý/Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an".

- "Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố/Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian".

- "Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/Tết về cây đức trổ thêm hoa".

- "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

- "Mai vàng nở rộ mừng năm mới/Đào hồng khoe sắc đón xuân sang".

- "Năm năm xuân như ý/Tuổi tuổi ngày bình an".

Theo một số chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông cho biết, năm 2023 là năm Quý Mão, một năm đặc biệt để kết thúc tiểu vận 8 (2004 - 2023), bước sang tiểu vận 9 (2024 - 2043).

Ngày giờ đẹp để khai bút đầu năm 2023 là: 4 giờ sáng thuộc giờ chính Dần mùng 1 Tết Âm lịch (tức 22/1/2023 Dương lịch).

Những người làm công tác quản lý, học sinh sinh viên, khi chào đón giao thừa xong, nếu có điều kiện thì có thể khai bút. Kỹ hơn là tìm phương Đông Nam để ký kết, viết lách, mở màn cho năm mới, phù hợp Thiên - Địa - Nhân.

Giờ đẹp để khai bút đầu năm 2023 ngày mùng 2 Tết sẽ là:

Giờ Sửu (01h - 03h), Thìn (07h - 09h), Ngọ (11h - 13h), Mùi (13h - 15h), Tuất (19h - 21h), Hợi (21h - 23h).

Giờ đẹp để khai bút mùng 4 Tết Quý Mão 2023 sẽ là: Giờ Dần (3h - 5h), Mão (5h - 7h), Tỵ (9h - 11h), Thân (15h - 17h), Tuất (19h - 21h), Hợi (21h - 23h).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm