Một kiểu lì xì đầu năm "không giống ai" nhưng lại dạy cho trẻ được bao điều hay

Hiểu Đan
24/01/2023 - 22:30
Một kiểu lì xì đầu năm "không giống ai" nhưng lại dạy cho trẻ được bao điều hay
Trong khi người lớn hiện nay mừng tuổi các bé bằng tiền thì có một thầy giáo lại chọn hình thức mừng tuổi vô cùng mới mẻ.

"Alô, alô, đã đến giờ mừng tuổi sách, mời tất cả trẻ em thôn Ấp Hạ sang nhà văn hóa thôn nhận sách mừng tuổi". Những ngày đầu năm, tiếng loa phát thông báo từ thầy giáo Hà Đình Lực (Hà Nội) ngay lập tức thu hút rất nhiều trẻ em của Ấp Hạ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội tập trung tại nhà văn hóa. Chỉ hơn 1 giờ, khoảng 60 - 70 em đã hào hứng ra về với những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới. Có những đứa trẻ lần đầu tiên được lì xì bằng... sách, vẻ mặt ánh lên sự ngạc nhiên xen lẫn thích thú.

Nhắc tới lì xì, người ta nghĩ ngay đến những phong bao đỏ xinh xắn chứa những tờ tiền mới coóng dành cho trẻ với lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặt nhiều thành công trong công việc, học tập. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thầy Lực đã chọn một cách khác. Đó là tặng... sách. 

Hoạt động tặng sách được thầy triển khai từ năm 2018. Còn ở riêng Ấp Hạ, việc mừng tuổi sách cho toàn bộ trẻ em trong thôn vào dịp Tết hàng năm bắt đầu từ năm 2020, sau đó bị gián đoạn do Covid nên năm nay mới tiếp tục. 

Hoạt động tặng sách được thầy triển khai từ năm 2018.

Nguồn sách được thầy Lực chọn lọc kĩ từ các nhà xuất bản uy tín như Kim Đồng, Phụ nữ, Trẻ, Quảng Văn, Nhã Nam... Các cuốn sách tập trung vào các chủ đề: Danh nhân, khoa học, văn học,… phù hợp với nhiều lứa tuổi (từ mầm non đến sinh viên). Số sách tặng mỗi dịp Tết dao động từ 150 – 200 cuốn sách, truyện.

"Ý tưởng tặng sách có từ năm 2017, khi mình tham gia hoạt động Sách Hóa Nông Thôn do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng và phát động. Những năm đầu chủ yếu mình tặng sách vào dịp Tết cho con cháu họ hàng trong nhà. 

Sau đó mình mở rộng dần ra các hoạt động khác: Mừng tuổi sách cho trẻ em tại đền Hai Bà Trưng (2018), Mừng tuổi sách cho trẻ em trong thôn (2020), tặng sách cho trẻ trong các hoạt động khuyến đọc của thôn, dòng họ... Sách được lựa chọn kĩ theo tiêu chí khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử dân tộc, danh nhân Việt Nam và thế giới, khoa học… Mình tuyệt đối không dùng truyện tranh", thầy Lực chia sẻ.

Thầy giáo cho biết, đa số trẻ em hưởng ứng tích cực do khác lạ so với được tặng tiền. Một số ít chưa quen nên không hào hứng. Tuổi càng nhỏ thì mức độ hào hứng càng tăng. Giờ trẻ em trong thôn đã có thói quen cứ mỗi dịp đầu năm lại sang nhà văn hóa thôn nhận mừng tuổi sách.

Những "quả ngọt" đầu tiên

Nói về việc "phá cách" lì xì bằng sách trong khi người lớn hiện nay mừng tuổi các bé bằng tiền, thầy Lực cho rằng, việc thay đổi này có mấy mục đích chính: Nhằm cho trẻ em quan tâm và dần dành yêu thích đọc sách, giảm thiểu thời gian dùng điện thoại, game, tivi… Khơi gợi sự quan tâm của người lớn (ông, bà, bố mẹ) tới giải trí của trẻ em thay vì đơn giản đưa các con chiếc điện thoại thích làm gì thì làm, đây là một hiểm họa mà nhiều người đã nói. Dần dần từ mỗi cá nhân, gia đình sẽ lan tỏa trên quy mô xã hội để chung tay cùng đưa sách đến trẻ em.

"Hiệu quả thực tế với người thân và quê mình khá rõ ràng, tích cực: Nhiều trẻ đã thích sách từ nhỏ nên khi lớn yêu thích đọc sách, kết quả học tập tiến bộ khá tốt, nhiều bố mẹ quan tâm đến việc đọc, học của con hơn...", thầy Lực cho biết.

Trẻ em trong thôn đã có thói quen cứ mỗi dịp đầu năm lại sang nhà văn hóa thôn nhận Mừng tuổi sách.

Không chỉ Việt Nam mà tại các nước, văn hóa đọc ở trẻ em đang bị lép vế khá rõ so với các thiết bị điện tử. Để khắc phục việc này cần sự vào cuộc của tất cả các bên, nhưng trực tiếp và hiệu quả nhất là từ bố mẹ. Giải pháp quan trọng nhất, theo thầy Hà Đình Lực, chính là bố mẹ thực sự thấy được hiểm họa khi trẻ không thích đọc sách mà chỉ chăm chú vào các thiết bị di động.

"Trong quá trình dạy học mình rất hay đan xen các câu chuyện để khuyến khích, động viên học sinh đọc sách. Mình hay dùng sách làm quà tặng sinh nhật, mừng tuổi đầu năm cho học sinh. Kết quả đa số các con đều thân thiện hơn với sách, một số bắt đầu cầm sách đọc thay vì điện thoại", thầy nói.

Có thể thấy, so với việc lì xì tiền mặt, phong trào mừng tuổi sách chưa thực sự phổ biến. Thầy Lực cho biết, muốn mừng tuổi bằng sách cũng khá phức tạp: Phải chọn lựa sách phù hợp, xách theo túi khi đến chúc Tết nhà khác, chuẩn bị tâm thế khi trẻ không hào hứng, từ chối đón nhận, người thân thấy lạ lẫm… Nên để thay đổi cần sự quyết tâm, kiên trì của mỗi cá nhân. Sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm