pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một lần nữa duyên đến, các con nhất quyết không cho mẹ làm đám cưới
Tiếng chị cất lên, Thanh Tâm nhận ra chị đã lớn tuổi. Cũng như bao nhiêu khách hàng khác của Thanh Tâm, chị ngập ngừng, do dự, đắn đo và hình như rất khó để bắt đầu câu chuyện. Câu đầu tiên chị đã xin lỗi và hỏi tuổi của Thanh Tâm. Điều đó vẫn thường xảy ra khi khách hàng là những người đứng tuổi và họ chỉ yên tâm khi được nói chuyện với một chuyên gia tâm lý đồng lứa tuổi với mình. Sự ngập ngừng, đắn đo ban đầu của chị còn bởi chính câu chuyện mà chị muốn tâm tình với Thanh Tâm.
Chị năm nay 61 tuổi. Vợ chồng chị là bạn học, yêu nhau từ hồi sinh viên và kết hôn ngay sau khi cả hai ra trường. Tình yêu sâu sắc mà hai người dành cho nhau đã giúp họ nhọc nhằn vượt qua khó khăn. Chị kể với Thanh Tâm rằng, hình như hai đứa con chị hiểu được nỗi vất vả mà bố mẹ phải chịu đựng, hiểu được khát vọng cháy bỏng của bố mẹ về tương lai của chúng nên rất chăm ngoan, đặc biệt là học rất giỏi. Hai anh em chỉ cách nhau 4 tuổi và như ngầm ganh đua nhau về thành tích học tập, đều đạt học sinh giỏi kể từ năm lớp 1 trở đi. Chị nói đấy chính là niềm vui, sự an ủi lớn nhất để vợ chồng chị không quản ngại, làm bất cứ việc gì.
Cái tương lai xán lạn của các con cũng như của gia đình dường như càng gần với hiện thực hơn khi chồng chị được trường cử đi làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài vào năm con gái út của chị tròn 10 tuổi. Chị bắt anh bỏ hết mọi "nghề phụ", hạn chế dạy thêm để tập trung vào việc học hành, nhất định phải thi đỗ để được đi học ở nước ngoài. Chị cười buồn nói với Thanh Tâm rằng ngày ấy mà được đi học nước ngoài là một cơ hội vô cùng lớn để đổi đời cho cả gia đình. Và chồng chị đã thi đỗ, chỉ còn chờ giấy báo bay sang trời Âu. Đúng thời điểm ấy thì chồng chị có kết luận của bác sĩ rằng anh bị ung thư máu sau vài tháng người mệt mỏi, kém ăn, hay hoa mắt, chóng mặt mà vợ chồng chị cứ nghĩ đó là hậu quả của những ngày anh học ôn thi quá vất vả.
Chị không thể miêu tả cảm giác lúc đó giống như đất sụt lở dưới chân chị. Chồng chị sau phút giây hoảng loạn đã cố trấn tĩnh lại. Tìm hiểu qua bác sĩ, qua sách báo, chị cũng biết ở nước ngoài người ta dùng phương pháp ghép tủy, thay máu định kỳ sẽ kéo dài được sự sống cho người ung thư máu. Nhưng vấn đề là vợ chồng chị lấy đâu ra tiền? Chị đã khóc trong nỗi đau khổ tột cùng mà nói với chồng rằng: "Giờ em biết làm sao đây? Em không cam tâm khoanh tay nhìn anh chết nhưng chúng ta xoay đâu ra tiền khi gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp đều nghèo, không thể giúp được?". Và chồng chị đã ra đi sau đó nửa năm…
Giờ con trai chị đã 35 tuổi, con gái 31 tuổi, đã yên bề gia thất và cả hai đều thành đạt, khá giả. Từ ngày chị nghỉ hưu, các con luôn động viên chị tham gia các lớp tập yoga, lớp học khiêu vũ, đi du lịch… Chị cũng ý thức được việc mình cần phải thích nghi với môi trường mới, cuộc sống mới. Và một điều bất ngờ xảy ra: Chị đã có lại cảm xúc về tình yêu với một người. Anh vốn là đồng nghiệp của chị nhiều năm và vợ anh cũng đã mất cách đây 5 năm.
Tình yêu ấy khiến cả hai người bớt đi những phút giây trống trải, đơn côi khi nghĩ về nỗi đau trong góc khuất của trái tim mình. Rồi tình yêu ấy đã tố giác chị với các con chị khi chúng phát hiện ra mẹ như trẻ trung hơn, chịu khó làm đẹp hơn. Và các con chị nhất định không đồng ý cho chị làm đám cưới. Chị đã cắt đứt mọi liên lạc với anh và biết mình đang rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý trầm trọng…
Thanh Tâm khích lệ chị đừng từ bỏ tình yêu chị đã chọn, vì chị xứng đáng và rất cần được như thế. Cần phải làm cho các con chị hiểu rằng, có một thứ không dễ gì bù đắp, đó là khoảng trống, sự thiếu thốn về tình yêu dù ở bất cứ độ tuổi nào. Tình yêu và cuộc tái hôn này là cái duyên cuộc đời và cũng là nguồn năng lượng mới trong cuộc sống của chị và người ấy.