Những người tuổi Tý nổi danh trong lịch sử

Nhu Thụy
25/01/2020 - 10:59
Những người tuổi Tý nổi danh trong lịch sử
Trong lịch sử dân tộc ta và thế giới, có lẽ do sự trùng hợp ngẫu nhiên mà xuất hiện những nhân tài sinh năm Tý. Có người có tài trị nước, kinh bang tế thế, có người là nhà hoạt động xã hội, nhà sử học… Ngày Xuân, PNVN xin được kể về các nhân vật tuổi Tý đã có nhiều đóng góp cho sự thăng hoa của dân tộc và thế giới.

Phạm Đình Hổ (Mậu Tý, 1768 - 1839)

Ông Phạm Đình Hổ là danh sĩ đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Triều. Ông đọc rộng biết nhiều, rất hào hoa và nuôi mộng văn chương từ thời thơ ấu. Năm Tân Tỵ 1821, vua Minh Mạng mời ông ra làm Hành tẩu viện Hàn lâm, năm Bính Tuất 1826 ông làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc tử giám (Giám đốc Trường Quốc tử giám).

Cụ Phạm Đình Hổ

Cụ Phạm Đình Hổ

Trong quá trình làm quan, ông dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn sách chuyên khảo. Ông để lại cho đời sau nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn hóa xã hội, văn thơ có giá trị lớn. Ông là một cây bút văn xuôi chữ Hán tài hoa thời trung đại có tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông.

Huỳnh Thúc Kháng (Bính Tý, 1876 - 1947)

Là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam, ông đã cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Do đó, ông bị bắt năm Mậu Thân (1908), bị đày Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế cho đến khi tờ báo bị đình bản năm 1943.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước. Thời gian này ông còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Cuối năm 1946, ông là đặc phái viên của chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là giai đoạn chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ác liệt sau ngày 14/9/1946 Toàn quốc kháng chiến.

Tôn Đức Thắng (Mậu Tý, 1888-1980)

Năm 1913, ông theo tàu biển sang Pháp làm công nhân ở Toulon. Những năm 1920-1925, ông tham gia lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Từng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ông bị Pháp bắt nhân vụ án ở đường Barbier Sài Gòn năm 1928, bị kết án 20 năm khổ sai lưu đày Côn Đảo rồi được trả tự do năm 1945. Về đất liền, ông tiếp tục hoạt động đến tháng 10/1945 thì tham gia Xứ ủy Nam bộ rồi năm 1946 đắc cử vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7/1960, ông giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam

Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam

Ông là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam (nhiệm kỳ từ 22/9/1969 cho đến 2/7/1976) sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ông được Đảng, Chính phủ tặng nhiều huân chương cao quý. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng.

Golda Meir (Canh Tý, 1898-1978)

Trong các nữ chính trị gia đương đại, cố thủ tướng Israel Golda Meir là một trong những nhân vật hết sức đặc biệt. Là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Israel từ năm 1969 đến 1974, bà được mệnh danh là "bà đầm thép" trên chính trường Israel. Bà Meir đã làm việc chăm chỉ để mang lại hòa bình cho khu vực trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Cố thủ tướng Israel Golda Meir với các cháu thiếu nhi

Cố thủ tướng Israel Golda Meir với các cháu thiếu nhi

Không chỉ nổi tiếng về bản lĩnh khó lòng lay chuyển, bà còn có lòng thương người như một bà mẹ. Nhân dân Israel yêu mến gọi bà là "Meir của chúng ta" vì bà luôn hòa mình với công chúng. Khi ở cương vị là Thủ tướng, bà vẫn thường múc canh hoặc bưng cà phê cho những vị bộ trưởng trong nội các tại bàn ăn dù khi đó bà đã ngoài 70 tuổi. Bà cũng cho rằng mọi người đã quá chú ý tới điểm bà là phụ nữ mà ở vị thế cao. Với bà, phụ nữ giữ những vị trí quan trọng không có gì khác biệt, có chăng là phải làm nhiều hơn mà thôi.

Nhật hoàng Naruhito (Canh Tý, 1960)

Ngày 22/10/2019, Nhật hoàng Naruhito đã thực hiện các nghi lễ chính thức đăng quang, bắt đầu Niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa), đánh dấu sự phát triển của thời đại mới. Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako đã đem lại nhiều điều mới mẻ cho vương triều lâu đời nhất thế giới. Họ nói tiếng Anh với người nước ngoài, đùa với trẻ em. Họ đang thực hiện vai trò mang tính toàn cầu hóa và mong muốn đưa hoàng gia Nhật đến gần hơn với cuộc sống người dân. Ông Naruhito được đánh giá là người kiên nhẫn, có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako

Ông từng học thạc sĩ tại trường Merton, Đại học Oxford (Anh) và được trao bằng danh dự tiến sĩ luật năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992 và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin. Với bề dày chuyên môn và uy tín của mình, ông Naruhito đã giữ chức Chủ tịch danh dự Hội đồng Cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về nước và vệ sinh từ năm 2007 đến nay.

Leymah Gbowee (Nhâm Tý, 1972)

Nổi tiếng với biệt danh "chiến binh hòa bình", trong cuộc nội chiến thứ hai của Liberia năm 2003, bà Leymah Gbowee đã làm thay đổi số phận của đất nước mình khi kêu gọi những người phụ nữ thuộc mọi tôn giáo đoàn kết và cùng đứng lên vì hòa bình. Bà cho rằng mọi người đều có sức mạnh để đoàn kết các nhóm tôn giáo bị chia cách trong khu vực thành một phong trào hòa bình đáng kể. Điều này dẫn đến các cuộc bầu cử của bà Ellen Johnson Sirleaf ở Liberia, quốc gia châu Phi đầu tiên có một nữ tổng thống. 

Bà Leymah Gbowee (giữa) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 cùng thủ tướng Ellen Johnson Sirleaf (phải) và Tawakkul Karman

Bà Leymah Gbowee (giữa) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 cùng thủ tướng Ellen Johnson Sirleaf (phải) và Tawakkul Karman

Bà Gbowee tiếp tục hoạt động để tăng cường sự ảnh hưởng của phụ nữ ở Tây Phi trong và sau chiến tranh. Bà cùng với Ellen Johnson Sirleaf và Tawakkul Karman đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2011 "cho cuộc đấu tranh bất bạo động của họ đối với an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ với sự tham gia đầy đủ trong công tác xây dựng hòa bình".

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm