Một số vấn đề cần khắc phục khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi toàn quốc

Khánh Linh
24/12/2021 - 08:30
Một số vấn đề cần khắc phục khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi toàn quốc

Văn hoá gia đình ngày càng được chú trọng ở mọi vùng miền trên cả nước (Ảnh: minh hoạ)

Trong Báo cáo đánh giá kết quả thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thực hiện trong 02 năm (2019-2020), thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Để thực hiện thành công Bộ tiêu chí, thực tế vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, cải thiện.

Vẫn còn khó khăn khi thực hiện Bộ tiêu chí ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Vụ gia đình – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, kết quả thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong 02 năm (2019-2020) cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đăng ký đã thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nội dung Bộ tiêu chí đúc kết ngắn gọn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi khi triển khai vào thực tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Bộ tiêu chí trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, thực thế vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội; lối sống bảo thủ, coi thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí.

Một số vấn đề cần khắc phục khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi toàn quốc - Ảnh 1.

Trong ngày Hội thi văn hoá gia đình tỉnh Kiên Giang (Ảnh minh hoạ)

Đối với một bộ phận nhân dân, việc đăng ký, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đôi khi còn mang tính hình thức, số lượng thành viên đến tham gia trong các buổi sinh hoạt chuyên đề chưa thực sự đảm bảo yêu cầu về số lượng.

Nguồn lực cho việc thực hiện Bộ tiêu chí còn hạn chế, đặc biệt là đối với các địa phương không thuộc địa bàn được chọn triển khai điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác cũng gây khó khăn trong việc triển khai cũng như tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí.

Cần nâng cao giáo dục đạo đức, đời sống gia đình

Theo đánh giá từ Vụ gia đình – Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch, thời gian tới cần đẩy mạnh một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động và thực hành các tiêu chí ứng xử nói trên.

Phát huy có hiệu quả các phương tiện truyền thông như Website, Youtube, Facebook trong tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, kịp thời chuyển tải thông tin và giới thiệu nhiều gương điển hình về gia đình tiêu biểu, hạnh phúc, nhằm thể hiện sự đa dạng, phong phú trong công tác tuyên truyền, tạo sự tác động tích cực trong công tác gia đình. Xây dựng các bài giảng có nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc trên hệ thống đào tạo trực tuyến của tổ chức hội, đoàn, triển khai chương trình tập huấn kiến thức tiền hôn nhân.

Cần tiếp tục nâng cao giáo dục đạo đức, đời sống gia đình. Đưa nội dung Bộ tiêu chí vào truyền thông cộng đồng về nâng cao giá trị chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình các cấp trong đó chú trọng.

Một số vấn đề cần khắc phục khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi toàn quốc - Ảnh 2.

Cần tiếp tục nâng cao giáo dục đạo đức, đời sống gia đình (Ảnh: minh hoạ)

Lồng ghép và gắn Bộ tiêu chí ứng xử gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng gia đình văn hóa, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi Bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, bố trí, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho hoạt động triển khai Bộ tiêu chí; ưu tiên vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, đời sống gia đình.

Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Phối hợp các đơn vị trường học đưa nội dung và tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí đối với đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về xây dựng môi trường văn hóa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm