Một thế hệ trẻ nhút nhát và khép kín

04/06/2016 - 20:13
Nhiều người từng cho rằng, khi xã hội ngày càng phát triển và lối sống phương Tây tràn đến sẽ khiến cho giới trẻ châu Á “sống nhanh, sống gấp” hơn. Nhưng có nhiều bằng chứng lại cho thấy thực tế có phần ngược lại.
Nhút nhát trong tình yêu
Trước đây, giới trẻ hiện đại sống ở một số thành phố lớn ở châu Á có một thói quen sống được gói trong 4 chữ C. Cuộc sống của họ thường xoay quanh car (xe cộ, tiên nghi) , credit (thẻ tín dụng, công việc), cundominum (hẹn hò không kết hôn), club (giải trí, thư giãn). Còn nay, một số quốc gia đang có những tác động kích thích giới trẻ có những chuyển mình, từ 4 chữ C chuyển sang 5 chữ C.
Ví như Singapore, đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long đứng ra phát động một cuộc kêu gọi “Động viên thanh niên có thêm một chữ C nữa trong cuộc sống, tức là children (sinh con đẻ cái)”. Ông Long lý giải, thanh niên trẻ của Singapore hiện nay mạnh dạn trong công việc, yêu thích tự do, nhưng cũng có rất nhiều người chưa biết cách để thu xếp thời gian, không biết cách cân bằng giữa công việc và đời sống riêng. Họ trở nên “nhút nhát” trong yêu đương, không dám hẹn hò và không biết cách tiến tới hôn nhân nghiêm túc, không tự tin với việc sinh con đẻ cái... Ông khẳng định, gia đình và xã hội cần tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các dịch vụ mai mối để động viên, hướng dẫn thanh niên biết cách kết bạn, hẹn hò bạo dạn và dễ dàng hơn.
2_118710.jpg
 Singapore: Năm 2015, trong nhóm người trẻ ở độ tuổi từ 25-29, lượng độc thân đang chiếm tới 70%, tăng 20% so với 15 năm trước.
Nhút nhát trong những ước mơ
Cuộc khảo sát mới nhất của các nhà nghiên cứu giáo dục và nhà xuất bản Benesse của Nhật đã cho kết quả, trẻ em trong các gia đình Nhật giờ đây có xu hướng trở thành những người thiếu động lực trong cuộc sống.
Cuộc khảo sát được thực hiện với gần 14 ngàn trẻ em (trong độ tuổi tiểu học đến trung học) về cuộc sống hiện tại cũng như tương lai với những câu hỏi giả định: Em hãy thử tưởng tượng, khi 40 tuổi, mình sẽ: Vẫn độc thân? Sống bất cần? Ở cùng cha mẹ? Sẽ làm nghề gì? Rất thành công? Nổi tiếng? Giàu có…?... Phần đông chọn phương án ở cùng cha mẹ, độc thân hoặc bất cần. Có rất ít tỷ lệ trẻ em dám mơ ước về những thử thách, nổi tiếng hay thành công. Chỉ khoảng 50% học sinh biết “mình sẽ làm nghề gì trong tương lai” và không trả lời về những hình mẫu lý tưởng mà trẻ muốn hướng tới. “Con cái chúng ta ngày nay đã giảm sút phần nào sự quyết tâm và nghị lực sống so với các thế hệ người Nhật trước đó” - Ông Haruo Kimura, giám đốc phòng nghiên cứu giáo dục của Trung tâm nghiên cứu giáo dục Benesse cho biết.
10-1433233795.jpg
Hàng loạt trẻ em Nhật đội mũ bảo hiểm khi đi bộ đi học.
Quen tìm niềm vui qua các thiết bị số
Tổ chức Synovate Young Asians cùng với các hãng truyền thông của Microsoft Advertising, MTV và Yahoo đã tiến hành khảo sát 13.000 người trong độ tuổi từ 8-24 ở 12 nước châu Á để tìm hiểu về nhu cầu xem ti vi của khách hàng nhằm đưa ra hướng tiếp thị sản phẩm mới. Kết quả nhiều người đã phải “giật mình” vì những con số liên quan đến giới trẻ. Trong cùng một thời điểm, thanh niên châu Á có nhu cầu làm khá nhiều các hành động khác nhau và rất thành thạo như lướt facebook, chat inbox, gửi/đọc email, nghe nhạc, xem clip, đọc báo, chơi game online…
Còn về tivi, thanh niên Hàn Quốc “lập kỷ lục” về mức độ “nghiền” khi có những người dành từ 10-13 giờ/ngày ngồi trước màn hình. 35% số người được hỏi đã tăng thời lượng sử dụng Internet của mình theo từng năm. Khoảng 25% cho rằng, mình xem tivi nhiều hơn trước. Có tới 25% con em trong các gia đình châu Á được khảo sát còn khẳng định rằng cuộc sống của họ là không thể sống thiếu Internet.
offline-ben-trong-trai-cai-nghien-game-tai-han-quoc-02.jpg
Tại Hàn Quốc, lối sống ảo lan truyền trong giới trẻ. Rất nhiều thanh niên đã bỏ ra hàng giờ liền để cày game trực tuyến...
Lối sống này thực sự là một tin tốt lành cho các công ty, các sản phẩm công nghệ cần quảng bá, thúc đẩy tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, với gia đình và xã hội, đây là hồi chuông báo động. Người trẻ đang ngày càng ít giao tiếp với cha mẹ, quen với cuộc sống co cụm, cô đơn, không biết tạo lập những quan hệ, hạn chế việc thể hiện tình thân…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm