pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa hè, cơ thể ra nhiều mồ hôi có phải là thải độc tốt hơn hay không?
Mùa hè nóng nắng, có người đổ mồ hôi như mưa, có người lại không có một chút mồ hôi. Về vấn đề này, mọi người thường tự hỏi: Liệu đổ mồ hôi nhiều hơn hay đổ mồ hôi ít hơn thì khỏe mạnh hơn? Cơ thể ra nhiều mồ hôi có phải là sẽ thải độc tốt hơn hay không?
Một người phụ nữ ngồi trong phòng xông hơi hồng ngoại, sử dụng ánh sáng để tạo nhiệt cho ra mồ hôi. Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại thành phố New York (Mỹ) đã quảng cáo công dụng của phòng tắm hơi theo kiểu đổ mồ hôi để thải độc tố ra khỏi cơ thể. Thế nhưng có đúng là ra nhiều mồ hôi thì cơ thể thải độc tốt hơn hay không?
Ngày nay, không ít các tổ chức làm đẹp, cơ sở chăm sóc sức khỏe từ phòng xông hơi hồng ngoại đến yoga nóng... được quảng cáo không chỉ là giúp thư giãn mà còn giữ sức khỏe bằng cách thải độc tố ra khỏi cơ thể . Thế nhưng, tiến sĩ Joe Schwarcz, Giám đốc Văn phòng Khoa học và Xã hội của Đại học McGill lại không tán thành điều này. Ông cho biết, đổ mồ hôi là một cách bài tiết của cơ thể qua da, chủ yếu để làm mát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, không phải để giải độc (thải độc). Thành phần chính của mồ hôi là nước, phần còn lại là natri, kali, clo và các chất điện giải khác.
Cơ quan thực sự chịu trách nhiệm thải độc của cơ thể con người là thận, phổi và hệ thống tiêu hóa. Hoạt động đổ mồ hôi thực sự không có tác dụng lớn trong việc này. Vì vậy, khó có thể nói nhiều mồ hôi thì sẽ khỏe mạnh hơn. Ngược lại, bệnh viện Mayo Clinic (tại Mỹ) còn cho rằng, có nhiều lý do khiến bạn đổ mồ hôi và nếu cơ thể ra quá nhiều mồ hôi thì rất có thể do những bất thường trong cơ thể.
1. Căng thẳng hoặc lo lắng
Ví dụ, khi nói trước công chúng, trước mỗi kì kiểm tra, nhiều người rơi vào trạng thái cảm xúc như căng thẳng cảm xúc, lo lắng hoặc sợ hãi... Những trạng thái này kích thích thần kinh giao cảm, từ đó có thể dẫn đến tăng mồ hôi.
2. Bệnh tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi là một bệnh do tuyến mồ hôi tiết ra quá nhiều mồ hôi, phổ biến ở bàn tay và bàn chân, mặt và nách. Loại mồ hôi này là bất thường, lấy mồ hôi tay làm ví dụ, thường lòng bàn tay ẩm ướt, nghiêm trọng sẽ nhỏ giọt. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường có tính di truyền.
3. Hạ đường huyết
Khi tiêm quá nhiều insulin, dùng thuốc hạ đường huyết đường uống, chế độ ăn uống không đúng cách, tập thể dục quá mức... cũng có thể khiến lượng đường trong máu quá thấp. Lúc này cơ thể xuất hiện một loạt các triệu chứng, bao gồm tăng tiết mồ hôi, nhịp tim nhanh, chóng mặt, mệt mỏi...
4. Do bệnh cường giáp
Những người bị cường giáp vì hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều có thể dẫn đến tăng tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể, do đó làm cho cơ thể sản xuất nhiều calo hơn. Để làm mát, cơ thể cần phải điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách đổ mồ hôi.
Đồng thời, quá nhiều hormone tuyến giáp cũng có thể gây ra hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, do đó kích thích tuyến mồ hôi tiết ra một lượng lớn mồ hôi.
5. Bệnh tim mạch
Một số bệnh tim mạch như bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim... có thể dẫn đến suy giảm chức năng của tim hoặc lưu thông máu bất thường. Do đó ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể và điều chỉnh hệ thần kinh tự trị, dẫn đến tăng tiết mồ hôi. Nếu các triệu chứng đổ mồ hôi dai dẳng, kèm theo đau ngực, khó thở, đau tim và các triệu chứng khác thì hãy đặc biệt cảnh giác.
Vì những nguyên nhân gây ra tình trạng mồ hôi nhiều như trên, trước tiên phải điều trị các bệnh liên quan. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi hoặc uống thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh và giảm đổ mồ hôi.
Đối với các bệnh tăng tiết mồ hôi nách nghiêm trọng như ở nách, bạn có thể chọn điều trị phẫu thuật.