pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa lạnh, cẩn thận nôn mửa và tiêu chảy do Rota virus
Rota virus thường gây tiêu chảy cấp và nôn mửa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy bệnh nôn mửa, tiêu chảy do Rota virus là gì? Virus Rota có lây không hay trẻ bị Rota có triệu chứng gì? Dưới đây là những thông tin mà cha mẹ cần nắm rõ về loại virus gây bệnh tiêu hóa này.
1. Bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus là gì?
Bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus hay còn được gọi là bị nhiễm trùng ruột do virus Rota phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 3 tháng tới 3 tuổi, người trưởng thành cũng có thể bị nhiễm Rota virus nhưng thường triệu chứng nhẹ hơn, trừ khi người đó bị suy giảm miễn dịch hoặc người lớn tuổi. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và lý do chính dẫn tới viêm dạ dày ruột ở trẻ.
Rota virus so với Norovirus
Cả Rota virus và Norovirus đều là những bệnh nhiễm trùng gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và nôn mửa. Nhưng chúng do các loại virus khác nhau gây ra. Không giống với Norovirus, bệnh do Rota virus chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, thời gian bị bệnh có thể kéo dài tới 8 ngày. Nhưng bệnh do Norovirus thường chỉ kéo dài 1 - 3 ngày.
Rota virus và ngộ độc thực phẩm
Ngoài Norovirus thì ngộ độc thực phẩm cũng dễ bị nhầm lẫn với bệnh tiêu chảy do Rota virus. Tuy nhiên, triệu chứng ngộ độc thực phẩm có xu hướng xuất hiện đột ngột trong vòng 3 - 6 giờ sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm bẩn; các triệu chứng do ngộ độc thực phẩm cũng qua đi nhanh hơn. Còn bệnh do Rota virus sẽ có các triệu chứng phát triển dần dần, kéo dài hơn.
2. Triệu chứng nhiễm Rota virus là gì?
Theo Health, có thể phân loại các triệu chứng nhiễm Rota virus như sau:
2.1. Đối với trẻ nhỏ nhiễm Rota virus
Thường thì sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, thời gian ủ bệnh do Rota virus là từ 1 - 2 ngày, sau đó các triệu chứng bệnh xuất hiện và biến mất trong vòng từ 5 - 8 ngày. So với người trưởng thành thì trẻ bị Rota thường nặng hơn.
- Các dấu hiệu nhiễm Rota virus phổ biến: Rota virus thường gây ra các dấu hiệu như tiêu chảy ra nước, nôn mửa, đau dạ dày, chán ăn và sốt (khoảng 33% trẻ bị Rota có triệu chứng này). Trong đó, nôn mửa do Rota virus thường là dấu hiệu nhiễm Rota virus đầu tiên ở trẻ bị Rota. Đối với tiêu chảy do Rota virus, người bệnh đại tiện ra nước với thời điểm phát triển triệu chứng ngay sau đó.
- Triệu chứng ít phổ biến hơn: Nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng có thể gây mất nước, điều này cực kỳ nguy hiểm đối với mọi lứa tuổi. Điều quan trọng là nắm rõ các dấu hiệu mất nước để bù nước hoặc nhận chăm sóc y tế kịp thời.
Các dấu hiệu mất nước phổ biến có thể kể đến như tiểu ít hơn, tã khô hơn, khát nước hơn, khô miệng hoặc khô cổ họng, khóc không có nước mắt, chóng mặt, cáu kỉnh, uể oải hoặc lừ đừ hơn, trũng thóp đối với trẻ sơ sinh, nhịp tim nhanh.
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước do Rota virus, cần chú ý bổ sung đủ chất lỏng, chia nhỏ mỗi khi uống. Đối với trẻ nhỏ, nên khuyến khích trẻ uống ít nhất 30 ml chất lỏng mỗi giờ; với trẻ dưới 1 tuổi nên cho bú mẹ hoặc uống sữa thường xuyên hơn.
- Triệu chứng nhiễm Rota virus hiếm gặp: Hầu hết các trường hợp trẻ bị Rota chủ yếu có các triệu chứng đường tiêu hóa ảnh hưởng tới dạ dày và ruột. Nhưng đôi khi, Rota virus có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như triệu chứng thần kinh (liên quan tới não) khiến trẻ bị đau đầu, co giật (thường là co giật lành tính do viêm dạ dày, khác với co giật do sốt cao kéo dài) và viêm não nghiêm trọng.
Co giật ở trẻ em có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ co giật và các chuyển động lặp đi lặp lại ngẫu nhiên đến giật cơ có nhịp điệu và mất ý thức. Khi liên quan đến bệnh đường tiêu hóa, những cơn co giật này thường không kéo dài quá năm phút và không dẫn đến các vấn đề trong tương lai hoặc gây ra các tình trạng co giật như bệnh động kinh.
Các dấu hiệu khác cho thấy con bạn có thể đang gặp phải biến chứng hiếm gặp của Rota virus bao gồm lú lẫn, mê sảng và buồn ngủ quá mức. Những triệu chứng nhiễm Rota virus hiếm gặp này đều cần phải được thảo luận với bác sĩ để được can thiệp đúng càng sớm càng tốt.
2.2. Dấu hiệu nhiễm Rota virus ở người trưởng thành
Như đã nói, ngoài trẻ bị Rota thì thanh thiếu niên, người trưởng thành có hệ miễn dịch suy giảm hoặc người lớn tuổi cũng có nguy cơ bị nhiễm loại virus này. Theo Health, ở một số người thì nhiễm virus Rota không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng cũng có thể phát triển các dấu hiệu bệnh tại đường tiêu hóa tương tự như trẻ bị Rota. Chẳng hạn như buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và sốt.
Nhưng nhìn chung, nhiễm Rota virus ở người lớn thường nhẹ hơn và không gây ra nguy cơ mất nước và biến chứng thần kinh so với trẻ nhỏ.
Khi nào nôn mửa, tiêu chảy do Rota virus cần nhập viện điều trị?
Điều quan trọng khi phát hiện các triệu chứng nhiễm Rota virus là chú ý tới các biểu hiện bất thường của cơ thể, như tiêu chảy liên tục trong 24 giờ, sốt trên 40 độ C, các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, cáu kỉnh và quấy khóc không ngừng hoặc nếu trẻ bị Rota virus có biểu hiện lên cơn động kinh, bắt đầu hành động kỳ lạ, có vẻ quá lờ đờ hoặc bồn chồn hay mất ý thức để nhập viện điều trị ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn và gây ra các biến chứng, bao gồm cả bù nước bằng đường tĩnh mạch.
3. Câu hỏi thường gặp về Rota virus
- Có thuốc điều trị nôn mửa, tiêu chảy do Rota virus không?
Không có thuốc đặc hiệu để điều trị nhiễm rotavirus, nhưng bác sĩ có thể xem xét chỉ định dùng thuốc để điều trị các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, sốt, tiêu chảy do Rota virus. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng vì kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn chứ không phải virus như Rota.
- Rota virus có vaccine phòng ngừa không?
May mắn là tiêu chảy do Rota virus có thể phòng ngừa được bằng vaccine Rota dạng uống. Lịch uống vaccine Rota tùy thuộc vào từng loại vaccine có thể là 2 - 3 liều, thường trẻ uống vaccine Rota từ 2 - 6 tháng tuổi. Vaccine Rota có thể bảo vệ tới hơn 90% trẻ khỏi tình trạng nhiễm trùng nặng và phải nhập viện cũng như khoảng 70% trẻ được bảo vệ hoàn toàn khỏi loại virus này. Vaccine Rota cũng ít có tác dụng phụ, thường chỉ là tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa nhưng sớm khỏi.
- Virus Rota có lây không? Đường lây virus Rota là gì?
Virus Rota có khả năng tồn tại lâu trong môi trường nước nên có thể nói đây là bệnh dễ lây nhiễm. Với câu hỏi virus Rota có lây không thì câu trả lời là có. Đường lây của virus Rota chủ yếu thông qua đường phân tới miệng, tay hay thông qua việc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus như đồ chơi, tay nắm cửa, trong nước rửa, trên da,... Trẻ nhiễm virus Rota đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rota virus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rota virus, trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.
Nói cách khác, Rota virus rất dễ lây lan và chủ yếu lây lan qua phân và dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Bạn có thể bị nhiễm Rota virus do tiêu thụ nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm hoặc do đưa tay vào miệng sau khi chạm vào thứ gì đó bị ô nhiễm do Rota virus từ người mang bệnh.
Do vậy, để phòng ngừa nôn mửa và tiêu chảy do Rota virus, điều quan trọng là rửa tay kỹ bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất 20 giây sau khi thay tã cho trẻ, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, trước khi sơ chế thức ăn; nhất là khi xung quanh có người bị nhiễm Rota virus. Đồng thời, đừng quên khử trùng đồ chơi, các bề mặt thường xuyên chạm vào.