Mua rượu ngâm nấm ngọc cẩu ven đường uống, hai người nhập viện

13/09/2017 - 13:06
Sau khi uống được vài chén rượu ngâm nghi là nấm ngọc cẩu mua ở ven đường, hai người có biểu hiện ngộ độc như đau bụng, nôn mửa, chân tay lạnh, vã mồ hôi, khó thở,… nên được đưa đến BV cấp cứu.
Ngày 13/9, bác sĩ Lê Duy Đạo, khoa Cấp cứu (BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên) cho biết, BV vừa cấp cứu và điều trị cho 2 bệnh nhân quê ở Hải Phòng, hiện đang làm việc tại TP. Thái Nguyên bị ngộ độc do uống rượu ngâm nghi là nấm ngọc cẩu.

Theo bác sĩ Đạo, lúc 21h ngày 12/9, khoa Cấp cứu tiếp nhận 2 bệnh nhân có biểu hiện bị ngộ độc như chóng mặt, nôn mửa, tim chậm, huyết áp tụt,… bệnh nhân cho biết, trước đó khi đi làm thấy người dân bán bình rượu loại 20l ngâm nghi là nấm ngọc cẩu. Cho rằng loại rượu này có tác dụng bổ dương tốt nên mua về uống.

Tối ngày 12/9, hai bệnh nhân lấy bình rượu mới mua để uống. Sau khi uống được vài chén, cả hai có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, chân tay lạnh, vã mồ hôi, khó thở nên được đưa đến BV cấp cứu.

Xác định bệnh nhân bị ngộ độc rượu, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch, dùng thuốc lợi tiểu để thải độc. Sau 6 tiếng, sức khỏe hai bệnh nhân dần ổn định. Đến 10h ngày 13/10, cả hai bệnh nhân đã được xuất viện.
21730917_1977531539160698_6601325204869428435_n.jpg
Nấm ngọc cẩu ngâm trong bình rượu khiến 2 người bị ngộ độc

 Bác sĩ Đạo cho biết, BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm các loại quả, rễ cây khác nhau. Nhưng đây là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do uống rượu ngâm nghi là nấm ngọc cẩu. Rất may là hai bệnh nhân phát hiện và đến BV sớm nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong Đông y, nấm “ngọc cẩu” được xếp trong nhóm thuốc bổ dương. Các thầy thuốc Đông y thường sử dụng tỏa dương cùng với các thuốc bổ dương khác như ba kích, tiên mao, nhục thung dung, phá cố chỉ, dâm dương hoắc... để chữa các chứng bệnh như suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, lãnh cảm, muộn con. Tuy nhiên, các lương y cho rằng, so với nhiều vị thuốc khác, tác dụng này của tỏa dương cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu như không muốn nói là khiêm tốn, không như những thông tin đã được đồn thổi.
 
Hiện nay, nhiều người thích uống rượu ngâm các loại nấm, rễ, củ cây rừng. Tuy nhiên, đa phần là mua rượu ngâm ở dọc đường hoặc không rõ nguồn gốc vì nghe lời đồn thổi. Thậm chí, rượu ngâm với rễ và gốc cây gì, thì nhiều người không biết nên rất nguy hiểm. “Người dân chỉ nên uống các loại rượu ngâm củ, quả, rễ cây hay nấm rõ nguồn gốc, có xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân”, bác sĩ Đạo nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm