Mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh cúm gia cầm H5N1

Ngọc Ái
26/02/2023 - 10:18
Tuy cúm A (H5N1) đã khởi phát lần đầu từ hơn 100 năm trước, nhiều lần bùng lên thành bệnh dịch ở nhiều nơi trên khắp thế giới nhưng không phải ai cũng nắm được mức độ nguy hiểm cũng như cách phòng tránh của căn bệnh này.

Mặc dù nghe tên đã quen nhưng không phải ai cũng biết rõ về loại cúm nguy hiểm này. Thực tế, H5N1 là một phân nhóm virus cúm A (Influenza A virus), thường xuất hiện ở chim và gia cầm. Giống như tất cả các loại virus cúm khác, virus A (H5N1) lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác sau đó lây sang cho người và gây tử vong.

Điều đáng lo ngại, virus A (H5N1) là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 50% - 60% trường hợp mắc có biến chứng nặng và tử vong.

Gần đây, tờ Khmer Times cho biết Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này đã có 2 ca tử vong về người do cúm A (H5N1). Ca tử vong đầu tiên là một bé gái 11 tuổi sinh sống tại  tỉnh Prey Veng ngày 22/2/2023. Hai ngày sau, cha của bé gái là một người đàn ông 49 tuổi cũng đã tử vong. Trong số 11 người tiếp xúc gần với bé gái, đang có 4 người có triệu chứng bệnh và tiên lượng không tốt.

Việc cúm gia cầm bùng lên khiến WHO và rất nhiều tổ chức y tế cấp châu lục, khu vực phải lo ngại. Báo Reuters dẫn lời bà Sylvie Briand - Giám đốc Phòng chống dịch bệnh và đại dịch của WHO - vào ngày 24/2/2023 cho biết, WHO đang tích cực làm việc với nhà chức trách Campuchia để ngăn chặn dịch bệnh lay lan.

Đồng thời, bà Sylvie Briand nhận xét tình hình hiện tại rất đáng quan ngại vì số ca H5N1 ở chim chóc, gia cầm và động vật có vú đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Chuyên gia này cũng kêu gọi các nước cảnh giác và cho biết WHO đang rà soát lại cách đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu trước những diễn biến mới nhất.

Trong khi đó, ngoài việc nằm gần quốc gia đang có dịch thì người Việt Nam lại chăn nuôi và có nhu cầu về thịt gia cầm, thậm chí là chim hoang dã rất lớn. Hơn nữa, người dân lại có thói quen ăn món chế biến từ máu gia cầm sống như tiết canh ngan, vịt… hay ăn trứng cũng như thịt gia cầm sống, nấu chưa chín hẳn. Vì vậy, điều quan trọng là phòng tránh tích cực, nắm bắt dấu hiệu để phát hiện sớm nhằm khoanh vùng và điều trị kịp thời.

Biến chứng và mức độ nguy hiểm của cúm A (H5N1)

Điều khiến cúm A (H5N1) trở thành “nỗi khiếp sợ” của nhân loại đó là mức độ nguy hiểm của nó. Đầu tiên phải kể đến các đặc tính của virus H5N1 như: 

- Có tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao.

- Có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác.

- Do theo các đàn chim cư trú nên có độ lan truyền cao.

- Có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm (chim, gà) sang người.

- Khả năng tồn tại: sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C, ở 37 độ C có thể sống tới 6 ngày trong phân gia cầm. Sống trong nhiều năm nếu ở môi trường đóng băng.

Thứ hai là bệnh cúm gây ra bởi virus này có biến chứng nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao tới 60%. Cụ thể, chỉ sau khi khởi phát bệnh nửa ngày, các triệu chứng do cúm A (H5N1) từ sốt, ho, đau nhức cơ thể... sẽ trở nên trầm trọng rất nhanh. 

Mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh cúm gia cầm H5N1 ai cũng cần nắm rõ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhất là suy hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng. Khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là nguồn khởi phát cho các biến chứng:

- Tổn thương hệ hô hấp: đây là biến chứng thường gặp nhất khi virus A (H5N1) tấn công, gây bội nhiễm phế quản - phổi, viêm phổi.

- Bội nhiễm Tai - Mũi - Họng: biến chứng này phổ biến ở trẻ nhỏ.

- Suy đa tạng: Các bộ phận quan trọng như thận, gan, não bị ảnh hưởng khi bệnh cúm A (H5N1) diễn tiến nặng. Hệ miễn dịch trở nên suy yếu do số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính giảm mạnh.

- Ngoài ra, các hội chứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra như đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Người bệnh cũng có thể bị phù não, viêm màng não lympho.

Cuối cùng, sau hơn 100 năm kể từ khi khởi phát lần đầu, chúng ta vẫn chưa có vaccine chuyên biệt để phòng bệnh cúm A từ virus H5N1.

Cách phòng tránh cúm A (H5N1)

Trước tình hình cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp tại Campuchia và có nguy cơ lây lan sang nước ta, Sở Y tế TPHCM đã triển khai các biện pháp phòng ngừa và rà soát dịch diện rộng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng siết chặt giám sát chặt người nhập cảnh đi (đến, ở) từ vùng có dịch. Đồng thời phối hợp các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

- Đảm bảo ăn chín, uống sôi và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh cúm gia cầm H5N1 ai cũng cần nắm rõ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: WHO, Bộ Y Tế, Sohu
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm