Ngày 6/5, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh (BV TƯ Quân đội 108) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.K. (24 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng do tiêm filler làm đầy mũi.
Trước đó, bệnh nhân đến BV thăm khám trong tình trạng mũi đỏ ửng, chi chít mụn mủ đầu trắng. Bệnh nhân cho biết, cách đó một ngày có đi tiêm Filler làm đầy mũi tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Sau tiêm, bệnh nhân thấy đau tức vùng mũi, có dị cảm. Nhân viên của cơ sở đã tiêm thuốc giải filler nhưng chỉ sau một ngày, phần mũi của bệnh nhân đã bị những biểu hiện sưng tấy, lên mụn nên đến BV thăm khám.
Tại BV, các bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân bị biến chứng filler gây tắc mạch. Đây là một dạng biến chứng thường gặp sau tiêm chất làm đầy nên tiến hành xử lý.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, hiện nay dịch vụ tiêm làm đầy các bộ phận trên cơ thể khá phổ biến. Tuy nhiên, sau khi làm đẹp tại các cơ sở y tế tư nhân, nhiều khách hàng phải tới BV để xử lý hậu quả. Nguyên nhân là bởi đa số các cơ sở thẩm mỹ đều dùng chất liệu làm đầy là filler bởi hiệu quả tức thì, kinh tế, đơn giản, dễ thực hiện. Thế nhưng, filler cũng có nhiều loại như filler trọng lượng phân tử thấp, phân tử cao, có liên kết ngang hay không. Hơn nữa, cùng 1 loại filler của các hãng khác nhau thì chất lượng và hiệu quả khác nhau. Đó là chưa kể nhân viên y tế tại các cơ sở tư nhân không có trình độ, đào tạo qua loa nhưng vẫn thực hiện tiêm cho khách hàng. Khi xảy ra sự cố không biết xử lý khiến khách hàng phải chịu hậu quả.