Mừng, lo chuyện tăng lương cơ sở

Nguyễn Văn Duẩn
05/07/2023 - 14:47
Mừng, lo chuyện tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Ảnh minh họa

Từ ngày 1/7/2023, tiền lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Có một thực tế là không phải ai cũng được hưởng niềm vui khi tăng lương, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần.
Người mừng…

So với mức lương cơ sở hiện hành, mức tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2023 sẽ tăng 20,8%. Quyết định tăng lương cơ sở trong thời điểm này được nhiều người đánh giá là hợp lý, có ý nghĩa trước tình hình giá cả tăng nhanh nhưng xuống chậm như hiện nay. 

Đây cũng là tiền đề để cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, chảy máu "chất xám".

Công tác tại một trường THPT ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), chị Nguyễn Thị Sim nằm trong nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Hiện tại, với hệ số lương là 4,32 thì hằng tháng, chị Sim được lĩnh gần 6,5 triệu đồng. 

Với việc áp dụng mức lương cơ sở mới, từ tháng 7/2023, mức lương của chị Sim nhận được sẽ là gần 7,8 triệu đồng, tức tăng hơn 1 triệu đồng. Mức lương trên cộng với việc nhà trường chi trả tiền buổi hai nên tổng tiền lương hằng tháng của chị Sim là gần 10 triệu đồng. 

"Số tiền lương trên trong bối cảnh giá cả sinh hoạt ở quê rẻ hơn khu vực thành thị nên gia đình tôi cũng đủ sống. Việc tăng lương khiến tôi cũng như nhiều giáo viên khác rất mừng", chị Sim chia sẻ.

Bên cạnh cán bộ, công chức, viên chức thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố cũng là nhóm đối tượng được điều chỉnh mức trợ cấp khi lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. 

Theo đó, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định, kể từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Chị Phạm Thị Huế hiện tại đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Làm việc bất kể ngày nghỉ, trừ tiền bảo hiểm, số tiền chị Huế được trợ cấp hàng tháng là 1,6 triệu đồng. 

Chị Huế cho rằng, mức trợ cấp này chưa tương xứng với khối lượng công việc mà chị đang đảm nhiệm nhưng vì tinh thần trách nhiệm, vì sự tín nhiệm của người dân trong thôn nên chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. 

Với việc tới đây, mức lương cơ sở tăng đồng nghĩa với việc mức trợ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cũng tăng, chị Huế cho biết bản thân rất phấn khởi và có thêm động lực để cống hiến cho xã hội. 

"Dịch bệnh Covid-19 hoành hành mấy năm qua nên việc tăng mức lương cơ sở là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước. Với những người hoạt động không chuyên trách như chúng tôi, nói là làm vì tiền thì không phải vì khối lượng công việc rất bộn bề trong khi trợ cấp không được bao nhiêu. Việc trợ cấp tăng theo mức lương cơ sở dù không được nhiều nhưng cũng động viên chúng tôi có thêm động lực gắn bó với công việc", chị Huế chia sẻ.

… Người lo nguồn tăng lương cho người lao động

Bên cạnh sự phấn khởi của những người làm việc tại đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương 100% từ ngân sách, việc tăng mức lương cơ sở lại trở thành nỗi lo của những người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hay tự chủ một phần về tài chính. 

Bệnh viện Y Dược cổ truyền Hà Giang là đơn vị sự nghiệp Y tế hạng II trực thuộc Sở Y tế và là tuyến khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền cao nhất của tỉnh Hà Giang. Đây là bệnh viện công lập tự chủ một phần về tài chính (61%). 

Bà Nguyễn Thị Đức, Giám đốc Bệnh viện, cho biết việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện. 

Mừng, lo chuyện tăng lương cơ sở  - Ảnh 1.

Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Hà Giang. Ảnh:BVCC

"Bệnh viện Y Dược cổ truyền Hà Giang là bệnh viện chuyên khoa. Tại các bệnh viện tuyến huyện hiện nay đều có các khoa y học cổ truyền. Bên cạnh đó, trang thiết bị thiếu thốn, phòng bệnh tại bệnh viện cũng xuống cấp nên số lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện là rất ít. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của bệnh viện", bà Đức cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Trung tâm hiện được giao tự chủ tài chính, tới đây nếu mức lương cơ sở tăng lên thì khả năng vấn đề tiền lương còn khó khăn nữa. 

Là đơn vị tự chủ, tiền lương được tính dựa trên khối lượng đơn giá đặt hàng dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, đơn giá đặt hàng của tỉnh đang khá thấp, được tính toán dựa trên mức tiền lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như hiện hành. 

Theo tính toán, mỗi năm đơn vị đang thiếu khoảng 50 triệu đồng để trả tiền lương cho lao động. Từ ngày 1/7 tới đây, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì nguồn tiền lương còn thiếu có thể tăng gấp đôi.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Cụ thể, Nghị định quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Nghị định nêu rõ mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Về kinh phí thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao;

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí...

Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (nếu có).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm