Muốn có con sau vô sinh thứ phát, không nên bỏ qua những lưu ý này

11/11/2019 - 07:05
Theo ước tính, hiện nước ta có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô vinh, hiếm muộn. Trong đó, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) lên tới hơn 50%. Nguyên nhân vô sinh thứ phát do đâu và có điều trị dứt điểm được không?

Các cặp vợ chồng đã có con, khi muốn có con tiếp, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 12 tháng nhưng không mang bầu, được coi là vô sinh thứ phát.

Vô sinh thứ phát ở nữ gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: Viêm nhiễm bộ bận sinh dục không được điều trị tích cực (viêm buồng trứng, viêm dính niêm mạc tử cung sau những lần can thiệp hút điều hòa kinh nguyệt hay nạo hút bỏ thai, viêm - dính vòi trứng đa phần là do chlamydia, lậu cầu)... Ngoài ra, dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài; dự trữ buồng trứng suy giảm sau lần sinh con đầu tiên; mắc một số bệnh lý: U xơ tử cung; viêm vùng chậu, ung thư, buồng trứng đa nang… cũng là những nguyên nhân gây vô sinh thứ phát.

Vô sinh thứ phát là khi một cặp vợ chồng đã có ít nhất một lần mang thai nhưng qua thời hạn một năm sau muốn có thai nhưng vẫn không thể có thai trở lại

 

Còn ở nam giới, vô sinh thứ phát thường do môi trường làm việc ở nhiệt độ cao ảnh hưởng lớn tới chất lượng tinh trùng; mắc bệnh lý cơ quan sinh dục: Chấn thương bộ phận sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm teo tinh hoàn, rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược dòng...

Ngoài ra, cả nam và nữ đều có nguy cơ vô sinh thứ phát do cân nặng, tuổi tác. Đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá và rượu trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản ở nam và nữ. Cũng có trường hợp vô sinh thứ phát không rõ nguyên nhân.

Theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, điều trị vô sinh thứ phát có nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi một phương pháp được ứng dụng trong những trường hợp cụ thể. Trước khi tiến hành điều trị bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và tìm ra nguyên nhân. Nhờ đó, quá trình điều trị sẽ diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bác sĩ Vân cho biết, có thể điều trị vô sinh thứ phát bằng nội và ngoại khoa. Với nội khoa là dùng thuốc điều trị các bệnh lý suy giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới, điều trị hỗ trợ buồng trứng đa nang ở nữ giới... Còn ngoại khoa gồm phẫu thuật gỡ dính buồng tử cung, phẫu thuật thăm dò mổ thông vòi tử cung, phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới... Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI), ống nghiệm (IVF)... Trong đó, IVF là phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn và vô sinh thứ phát cho kết quả cao nhất.

Nếu bị vô sinh thứ phát, vợ chồng nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị

 

Cùng các biện pháp trên, để tăng cơ hội mang thai, vợ chồng nên thực hiện giao hợp đúng cách: Phụ nữ có thể canh noãn để sau giao hợp dễ có thai nhất; giữ tinh thần thoải mái, lạc quan: Việc stress sẽ khiến bạn khó có khả năng mang thai. Khi chưa có thêm con, các bạn đừng quá nôn nóng làm tinh thần suy sụp, lo âu. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn khoa học, hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.

Vô sinh thứ phát ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe và đời sống tình cảm của các cặp vợ chồng. Do đó, vợ chồng nên thực hiện các biện pháp phòng vô sinh thứ phát. Cũng theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, chị em phụ nữ nên mang thai trước độ tuổi 35; khoảng cách giữa hai lần sinh con từ 3 đến 5 năm; thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần kể cả không có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp thấy các dấu hiệu viêm nhiễm bất thường tại “vùng kín” nên thăm khám và điều trị dứt điểm. Hạn chế việc nạo hút thai, trường hợp bất khả kháng cần được tiến hành tại bệnh viện uy tín. Do đó nên lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn khi chưa có ý định sinh con.

Bên cạnh đó, cần vệ sinh “vùng kín” đúng cách, không tự ý thụt rửa âm đạo khi chưa có chỉ định của bác sĩ; quan hệ tình dục an toàn; hạn chế hút thuốc lá, rượu bia; nâng cao sức khỏe, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, thuốc trừ sâu và kim loại nặng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm