Người phụ nữ ngoài 30 tuổi tên là Nùng Thị Say, ở Lào Cai tâm sự về cuộc hôn nhân bế tắc mà nhiều lần chị muốn từ bỏ, nhưng chồng và con chị lại không có lỗi gì trong những bức xúc của chị, mà nguyên nhân lại là ở mẹ chồng chị. Chị Say cho biết, 27 tuổi chị mới lấy chồng, chủ yếu để thoát tiếng "gái ế". Bản thân chị là người có hình thức bình thường, thân hình béo ục ịch, không ưa nhìn, duy chỉ có công việc của chị ổn định ở một cơ quan nhà nước dù đồng lương hạn hẹp nhưng vẫn là ước ao của nhiều người.
Quê chị ở xa chỗ làm đến 300 km, nên cuộc sống của chị cũng cô quạnh. Một vài đồng nghiệp mai mối cho vài anh, nhưng anh nào cũng chê chị ngoại hình xấu, nên họ từ chối khéo và lảng tránh chị.
“27 tuổi, tôi không có một mảnh tình vắt vai. Gia đình hối thúc vì nghĩ tôi không chịu lấy chồng, bạn bè cùng trang lứa đều chồng con đuề huề cả rồi. Ngày nọ, có người phụ nữ đứng tuổi tìm đến chỗ tôi làm và hỏi thẳng: "Cháu có muốn lấy con trai cô không?” – chị Say kể. Bà bảo, con trai bà hơn chị 7 tuổi. Anh cũng làm công chức nhà nước. Dù còn bán tin bán nghi, chị nghĩ cứ gặp một lần xem sao, không thích thì thôi.
Ngay lần gặp đầu tiên, chị thấy anh là người hiền lành, nhưng hiền quá đến mức ngu ngơ, anh không có khả năng giao tiếp, trong suốt cuộc gặp mặt hầu như chỉ nhìn xuống đất, mẹ anh là người nói thay hết cả. “Bù lại tôi thấy anh chịu khó, ngoan và không mắc tệ nạn gì. Vì áp lực quá lớn về chuyện lấy chồng, nên tôi nhắm mắt gật bừa, dù lòng không yêu, cũng không có chút cảm tình nào” – chị Say cho biết.
“Đám cưới nhanh chóng diễn ra, vợ chồng tôi thuê căn nhà trọ ở gần nhà bố mẹ chồng cho tiện. Nhưng việc đầu tiên sau khi cưới là tôi lăn ra trả nợ cho chồng. Ngoài đi làm Nhà nước, tôi tìm việc làm thêm để còng lưng trả nợ vì đám cưới. Chồng tôi đi vay 80 triệu đồng lo cưới vợ, chứ không phải mẹ chồng lo tiền cưới vợ cho con trai. Vậy mà cưới xong mẹ chồng lấy hết phong bì cất đi, chứ không thương con trai như tôi tưởng. Khổ hơn là chồng tôi thật thà, cắm cả sổ lương vay tiền cưới vợ, nên tháng nào cũng bị trừ 2/3 số tiền lương, số còn lại trả tiền ở trọ và xăng xe là hết” – chị Say nhớ lại.
“Số vàng cưới bố mẹ đẻ cho, tôi đều bán đi trả nợ cho chồng mà không đủ, mẹ chồng còn đòi vợ chồng tôi trả thêm khoản tiền xe máy ông bà mua cho chồng đi làm từ trước khi anh lấy vợ. Bây giờ đến lúc anh có vợ, bà đòi hết món nợ từ con trai mình” – chị Say cho biết.
Đôi lúc nhìn lại cuộc sống, từ lúc lấy chồng đến giờ là 4 năm, tôi không được yên ngày nào, chỉ thấy buồn rồi khóc, khóc xong lại nghĩ cách kiếm tiền để trả nợ cho bố mẹ chồng. Nếu chỉ 1 tháng không đưa tiền cho ông bà theo kiểu trả góp, bà lại chửi bới ầm ĩ, rằng chắc 2 vợ chồng tôi lấy lương rồi mang về nhà ngoại cất đi.
Bố mẹ đẻ ở xa, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ chồng để về quê làm ăn cho yên thân. Nhưng thực ra chồng tôi cũng là người tốt, lo cho vợ con, chăm sóc vợ con rất tử tế, hiền lành. Tôi có lúc uất hận mẹ chồng quá, vì bà ngày càng tai quái với vợ chồng tôi, tôi viết đơn muốn chồng ký vào để giải thoát cho nhau, nhưng anh van xin tôi và nói: chồng không làm gì có lỗi với vợ con, cuộc đời này, chồng chỉ có vợ và con thôi, xin vợ đừng bỏ chồng. Chồng tôi là người tốt, nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng với bố mẹ chồng ích kỷ, nhỏ nhen đến vậy. Tôi làm vợ, lại như thằng đàn ông lo toan hết mọi thứ trong nhà, còn chồng ngu ngơ không giao tiếp nổi với ai, trừ vợ con, là tôi lại nản và chán ngán.
Để giải quyết bế tắc của mình, tôi đã tính đến việc vợ chồng con cái tôi dắt nhau về quê ngoại làm lại từ đầu. Bởi có lẽ, phải sống xa bố mẹ chồng, vợ chồng tôi mới thoát khỏi ức chế, bức bối trong lòng và làm ăn yên ổn. Khi đề cập đến chuyện này, mẹ chồng tôi chửi bới tùm lum, nói sẽ từ mặt vợ chồng, con cái tôi luôn vì tội bất hiếu. Nhưng chồng tôi thì gật đầu, anh bảo, vợ muốn thế nào, anh cũng nghe theo vợ hết. Vì chồng biết vợ vất vả nhiều lắm mà không biết giúp đỡ, chồng chỉ cần có vợ con thôi.