Muôn kiểu đối phó với tăng giá điện của lao động nghèo TPHCM

10/05/2019 - 14:48
Để đối phó với việc giá điện, giá xăng tăng chóng mặt thời gian này, nhiều gia đình tại TPHCM đã lên kế hoạch tiết kiệm trên mọi 'mặt trận', cắt giảm nhiều khoản để giảm chi phí sinh hoạt.
Tại xóm trọ khu phố 1, trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), cứ chiều chiều, nhiều bà nội trợ chụm lại với nhau ngồi tám chuyện hóng mát, chủ đề thường xuyên được nhắc đến là than thở chuyện sinh hoạt phí. Nếu như lúc trước, họ đi làm về là bật điện ngay vì nhà trọ thường hay thiếu sáng. Nhưng thời gian gần đây họ bật điện trễ hơn. Họ tranh thủ ăn cơm sớm và ra ngoài đường vừa hóng mát, vừa tám chuyện và vừa tiết kiệm điện.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng, cũng trú tại xóm trọ khu phố 1, trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), than thở: “Vợ chồng tôi tiết kiệm chi phí sinh hoạt dữ lắm nhưng giá cả cái gì cũng tăng. 2 tháng gần đây tiền xăng, tiền gas, tiền điện tăng cùng lúc. Tiền điện chủ trọ tăng từ 2,5 ngàn đồng/số (kWh) lên 3 ngàn đồng/số. Mới tháng 1 tiền điện chỉ trả 390 ngàn đồng sang tháng 4 trả đến 570 ngàn đồng. Trời thì nóng, nhà thì mái tôn nên tôi phải lắp máy điều hòa. Tôi chỉ dám mở từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, tối chỉ mở lúc 10 giờ đến 2 giờ thôi”.
tien-dien-tang-gia-2.jpg
Cuốn sổ ghi tiền điện "leo thang" của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền cùng dãy trọ với chị Hồng cũng “tăng xông” vì tiền điện tăng giá. Chị tìm mọi cách để tiết kiệm điện. Lúc trước chị thường xuyên giặt máy nhưng bây giờ chuyển sang giặt tay, máy giặt chỉ dùng để vắt. Tivi mở youtube cho con xem cũng giảm thời gian xuống, mỗi ngày chỉ cho con xem 2 lần. Vì gia đình có con nhỏ nên phải lắp điều hòa, thời gian bật cũng ngắn lại. Nếu như trước đây gia đình chị bật tới 5 giờ sáng thì bây giờ bật từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng. “Tất cả chi tiêu của gia đình đều do chồng gồng gánh, tôi ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ, đợi chúng lớn hơn chút rồi cho đi trẻ. Bây giờ cầm tờ 500 ngàn ra đường tiêu vèo cái đã hết. Tôi nhìn giá cả tăng mà chóng mặt, tăng xông, nhất là tiền điện. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ mà về quê thì không có việc làm”.
tien-dien-tang-gia-1.jpg
Người lao động nghèo tại TPHCM chóng mặt vì giá điện tăng 
 
Một chủ trọ tại quận 3, TPHCM, cô Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, tiền điện tháng 4 tăng gần 50%: “Tôi biết giá điện tăng chứ không ngờ tăng chóng mặt như vậy. Mấy tháng trước chỉ từ 1 đến 1,3 triệu đồng là cùng. Tháng này tăng lên hơn 2 triệu đồng, do hộ mình dùng nhiều nên giá điện tăng nhiều. Tôi vẫn biết người thuê trọ cũng nghèo nhưng nếu giá điện cứ tăng thế này thì cũng phải tính đến chuyện tăng tiền điện, chứ đâu còn cách nào”.
 
tien-dien-tang-gia-3.jpg
Tận dụng ánh sáng để tiết kiệm điện 
 
Anh Cấn Bá Ước làm nhân viên văn phòng nhà máy bia ở quận 5. Để tiết kiệm chi phí, quyết tâm mua chung cư ở TPHCM, vợ chồng anh chấp nhận để thuê trọ ở quận Hóc Môn. Mỗi ngày anh phải đi làm 18km mới đến chỗ làm. Thế nhưng tiền xăng, tiền điện tăng giá cùng lúc, vợ chồng anh cũng thở dài: “Vì con nhỏ nên mình tôi đi làm. Lương tháng được 15 triệu đồng. Tiền thuê trọ hết 2 triệu, điện nước mỗi tháng 500 ngàn, bây giờ tăng lên gần 800 ngàn. Chi tiêu dè xẻn mỗi tháng “dắt lưng” được 5 triệu đồng. Đó là lúc trước chứ bây giờ cái gì cũng tăng, xăng lúc trước đổ 80 ngàn đầy bình, bây giờ đổ 110 ngàn đồng mới đầy bình. Giá cả ngày một tăng, không biết bao giờ mới thực hiện được ước mơ chung cư”.
 
Ngay cả trên mạng xã hội, các hội chị em, hội mẹ bỉm sữa… cũng bày tỏ sự lo lắng rằng xăng tăng, điện tăng rồi sẽ kéo theo nhiều thứ khác tăng. Họ chỉ nhau các cách “thắt lưng buộc bụng” cùng trụ lại thời “bão giá”. Họ cùng hy vọng giá điện, xăng sớm điều chỉnh theo hướng giảm để nhẹ bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
 

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), tính đến ngày 3/5, thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng, EVN HCMC nhận được 2.992 lượt khách hàng gọi đến yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện, tra cứu chỉ số và đối soát hóa đơn tiêu thụ. Trong đó có 714 khách hàng thắc mắc về chỉ số tiêu thụ và hóa đơn tiền điện tăng cao. Hầu hết các trường hợp này phản ánh tiền điện tháng 4 tăng trên 1,5 lần so với tháng trước đó.

EVN HCMC giải thích 3 nguyên nhân cơ bản làm tăng tiền điện phải trả: Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát, giải nhiệt gia tăng; số ngày sử dụng tăng so với kỳ hóa đơn tháng trước và một phần do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh đơn giá tiền điện theo quyết định của Bộ Công thương kể từ ngày 20/3.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm