pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mỳ ăn liền của Việt Nam vừa bị thu hồi ở Ireland: Cục An toàn thực phẩm nói gì?
Ảnh minh họa
Lý do FSAI thu hồi vì Ethylene oxide là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Sau khi thông tin trên được công bố, nhiều người đặt câu hỏi: Ethylene oxide nguy hại với sức khỏe con người như thế nào, có được sử dụng trong thực phẩm hay không?
Theo các chuyên gia, Ethylene oxide (còn được gọi là EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm làm chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc xông hơi cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất… Ethylene oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính.
Người tiếp xúc với Ethylene oxide nồng độ cao có thể bị co giật, liệt, hôn mê và làm tổn hại gan và thận. Nó có thể gây ra chấn thương hại phổi, nôn mửa, suy nhược, thiếu sự phối hợp, mất trí nhớ, tiêu chảy và tê. Ngoài ra, hóa chất này cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng đến mắt, da, cổ họng, phổi thông qua đường hô hấp. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra vấn đề não và hệ thống thần kinh và đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư.
Trường hợp hít phải lượng thấp của Ethylene oxide có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như trên, song mức độ thấp hơn. Ví như, da tiếp xúc với Ethylene oxide có thể gây viêm da, mụn nước và bỏng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai và có thể làm hỏng các tuyến sinh sản nam giới.
Theo một chuyên gia về thực phẩm của ĐH Bách Khoa Hà Nội, Ethylene oxide rất độc với cơ thể nên bị cấm trong sản xuất thực phẩm kể cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp sử dụng Ethylene oxide để khử trùng máy móc, thiết bị.
Với sản phẩm mỳ ăn liền vừa bị thu hồi ở Ireland, vị chuyên gia này cho biết đã làm việc với đại diện doanh nghiệp về vấn đề hóa chất trên. Tuy nhiên, công ty khẳng định không sử dụng công nghệ Ethylene oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho công ty cũng khẳng định không sử dụng Ethylene oxide trong quy trình sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp này đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân. "Cần phải làm rõ hóa chất đó xuất phát từ khâu nào để có hướng xử lý. Ngoài ra, người dân cũng nên chờ thông tin chính thức từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước", chuyên gia này nói.
Còn theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc quản lý chất lượng sản phẩm mỳ ăn liền do Bộ Công Thương phụ trách. Tuy nhiên, Cục cũng đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên liên hệ với Bộ Công Thương và đề nghị công ty sản xuất sản phẩm mỳ ăn liền báo cáo để nắm thông tin.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, thông tin này phải rất thận trọng, bởi cùng là tiêu chuẩn Codex nhưng có quốc gia chấp nhận, có nước lại không. Ngoài ra, với hóa chất trong thực phẩm thông thường đều có một ngưỡng cho phép, kể cả hóa chất bảo vệ thực vật (có trong rau, củ, quả). Do đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị, người dân cần thận trọng với các thông tin liên quan đến hóa chất trong sản phẩm và chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.