Ada Lovelace, tên khai sinh là Augusta Ada Byron, là con gái độc nhất của nhà thơ nổi tiếng George Gordon Byron - nam tước Byron đời thứ 6. Cuộc hôn nhân của nam tước Byron và mẹ của Ada, phu nhân Anne Isabella Milbanke Byron vốn chẳng mấy hạnh phúc. Chỉ 1 tuần sau khi con gái chào đời năm 1815 tại Anh, bà Byron ly thân chồng. Vài tháng sau, nam tước Byron rời nước Anh, và Ada chưa bao giờ gặp lại người cha của mình. Ông đã qua đời tại Hy Lạp khi cô bé Ada mới 8 tuổi.
Tuy xuất thân quý tộc, nhưng Ada lại được nuôi dạy hoàn toàn khác với các tiểu thư quyền quý giữa những năm 1800. Nước Anh thời kỳ này không khuyến khích các quý bà quý cô tham gia hoạt động học tập có tính chất trí tuệ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của người mẹ, giáo viên dạy toán và khoa học cho cô bé.
Những môn học hóc búa ấy vốn không phải là chuẩn mực cần thiết đối với nữ giới thời bấy giờ, nhưng mẹ của Ada tin rằng gắn bó với những môn học mang tính chính xác cao sẽ ngăn Lovelace phát triển theo hướng thiên về cảm xúc và tính tình bột phát khó đoán như cha mình.
Ngay từ nhỏ, Lovelace đã bộc lộ tài năng số học và ngôn ngữ. Cô bé Ada nhận được sự bảo ban, hướng dẫn từ William Frend - một nhà cải cách xã hội, William King - bác sỹ của gia đình và Mary Somerville - một nhà thiên văn kiêm nhà toán học người Scotland.
Năng khiếu vượt trội về toán học và kỹ thuật của cô đã khiến nhà phát minh nổi tiếng Charles Babbage chú ý. Ở độ tuổi 17, Ada gặp nhà toán học và nhà phát minh Charles Babbage. Họ đã trao đổi thư từ về một loạt các chủ đề trong nhiều năm sau đó. Babbage trở thành người thầy hướng dẫn của Ada. Nhờ Babbage làm trung gian, Ada bắt đầu học toán cao cấp với giáo sư Đại học London Augustus de Morgan.
Ada hết sức quan tâm đến những ý tưởng của Babbage, khi ông đang nghiên cứu sáng chế ra The Difference Engine – máy tính hiệu số, một thiết bị đa năng có thể giải quyết được các bài toán khó dựa trên năng lực tính toán các con số. Chính niềm say mê từ thuở đầu đời với toán học và những cỗ máy kỹ thuật phức tạp khiến cô thể hiện sự quan tâm đặc biệt và hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc cơ bản tạo nên chiếc máy tính phân tích sơ khai chưa được hoàn thành của Charles Babbage.
Ada sau đó được yêu cầu chuyển ngữ một bài báo về chiếc máy của Babbage do kỹ sư Italy Luigi Federico Menabrea viết cho một tờ báo Thụy Sĩ. Cô không những dịch bản gốc tiếng Pháp sang tiếng Anh, mà còn bổ sung cả suy nghĩ và ý tưởng của mình về cỗ máy. Phần chú thích thêm của cô còn dài gấp 3 lần bài báo gốc. Tác phẩm này sau đó được xuất bản năm 1843 trên một tạp chí khoa học của Anh. Ada chỉ sử dụng tên viết tắt A.A.L thay vì Augusta Ada Lovelace để làm bút danh cho bài viết.
Trong những chú thích của cô, Ada mô tả cách tạo mã để thiết bị xử lý thêm cả chữ cái và biểu tượng chứ không chỉ các con số. Cô cũng lý thuyết hóa phương pháp để máy móc lặp lại một chuỗi lệnh, quá trình được gọi là “vòng lặp” mà các chương trình máy tính ngày nay sử dụng. Ada cũng đưa ra nhiều khái niệm thúc đẩy tư duy trong bài viết. Nhờ tác phẩm đó của mình, Ada thường được xem là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới.
Bài viết của Ada không giành được nhiều sự chú ý khi cô còn sống. Ngày 27/11/1852, Ada qua đời tại London do ung thư tử cung. Cô được chôn cất cạnh ngôi mộ của cha, tại nghĩa trang Nhà thờ St. Mary Magdalene ở Nottingham.
Những đóng góp của Ada Lovelace cho lĩnh vực khoa học máy tính mãi đến những năm 1950 mới được phát hiện. Những chú thích của cô được nhắc đến một lần nữa với toàn thể thế giới nhờ B.V. Bowden - người tái xuất bản kết tinh trí tuệ của Ada trong cuốn Faster Than Thought: A Symposium on Digital Computing Machines (Nhanh hơn suy nghĩ: Tuyển tập bài viết về máy tính kỹ thuật số). Kể từ đó, Ada được truy tặng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 1980, Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí còn đặt tên cho một ngôn ngữ máy tính mới được phát triển là “Ada”, theo tên của mỹ nhân Lovelace - nữ lập trình viên đầu tiên trên thế giới.