pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mỹ: Phổ biến app định vị gia đình và vấn đề quyền riêng tư của con trẻ
Ảnh minh họa
Sau chuyến thăm nhà gần đây của con trai, Elaine Spector hồi hộp muốn biết liệu con đã trở về ký túc xá ở Texas một cách an toàn hay chưa, nhưng thay vì đợi cậu gọi điện hoặc nhắn tin, người mẹ ở bang Baltimore (Mỹ) vẫn tiếp tục làm việc và chờ đợi thông báo từ điện thoại của mình.
Giống như 32 triệu người trên khắp thế giới, Spector và cả gia đình cô đã cài đặt Life360, ứng dụng định vị con cái trên điện thoại. Life360 giúp theo dõi vị trí ba đứa con, cho Spector biết thời gian các con đang di chuyển, về nhà hoặc những nơi đã đến.
Gia đình Spector đã sử dụng ứng dụng này trong vài năm nay, trong khi các con nhỏ thường có xu hướng tắt vị trí, con trai lớn của cô luôn thoải mái khi sử dụng ứng dụng. Mặc dù con lớn đã 18 tuổi, nhưng Spector thừa nhận việc con gỡ ứng dụng và mất đi tiếng "ding" trấn an khiến cô cảm thấy căng thẳng. "Tôi không muốn trở thành một người mẹ lúc nào cũng theo sát con, nhưng chúng tôi đã làm điều đó trong một thời gian, tôi hơi do dự khi xóa app. Tôi thích phần tinh tế của nó, tôi biết con an toàn mà không cần phải quấy rầy bất kỳ ai".
Các ứng dụng định vị gia đình đã dần trở nên phổ biến trong hơn một thập kỷ qua. Bản năng bảo vệ con cái của cha mẹ là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng này. Nhưng bên cạnh cảm giác an toàn cho con cái, chúng cũng tồn tại không ít nguy hiểm. Các ứng dụng càng trở nên tinh vi hơn trong việc thu thập dữ liệu cá nhân, đặt câu hỏi về vấn đề riêng tư và độ bảo mật. Trong khi đó, điều khiến nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn nhất chính là câu hỏi con ở độ tuổi nào thì nên tắt chúng đi.
Ứng dụng gia đình đang trở nên phổ biến
Life360 hiện tại là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ sáu trên App Store ở cả Vương quốc Anh và Mỹ. Ngoài ra, cũng có nhiều ứng dụng hỗ trợ các mức giám sát khác nhau. Đơn giản nhất là các ứng dụng chia sẻ vị trí được cài đặt trên điện thoại như "Find My Friends" trên thiết bị iOS hoặc "Google Family" cho Android. Ngoài ra còn có các ứng dụng từ bên thứ ba cho phép người dùng thu thập một loạt dữ liệu từ các điện thoại được kết nối.
Về cơ bản, các ứng dụng bao gồm những tính năng như định vị, do đó cảnh báo sẽ được gửi khi điện thoại ra khỏi hoặc đi vào một khu vực nhất định. Các ứng dụng như "FindMyKids" cho phép cha mẹ kích hoạt micrô trên điện thoại từ xa và thậm chí là ghi lại âm thanh, trong khi "TeenSafe" có chế độ ẩn danh để trẻ không bao giờ biết cha mẹ đang theo dõi chúng. Ngoài theo dõi vị trí, các ứng dụng còn có thể cung cấp thông tin về các hoạt động trực tuyến khác như thời điểm con chơi game. Các ứng dụng như "OurPact" cho phép cha mẹ xem ảnh chụp màn hình về các tương tác trực tuyến của con, trong khi "Bark" quét tin nhắn để cảnh báo cha mẹ về "các tương tác liên quan".
Một cuộc khảo sát năm 2019 đối với cha mẹ và người giám hộ ở Anh cho thấy 40% đang sử dụng một số dịch vụ theo dõi GPS hàng ngày.
Quyền riêng tư của con trẻ
Sonia Livingstone, giáo sư khoa truyền thông tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London tin rằng trên thực tế "không có bằng chứng cho thấy bất kỳ ứng dụng nào có thể giúp trẻ em an toàn hơn".
Là một chuyên gia về quyền kỹ thuật số và an toàn của trẻ em, người viết một số cuốn sách về nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số, Livingstone cảm thấy việc sử dụng các ứng dụng này là một phản ứng dễ hiểu trước nhiều vấn đề nguy hiểm đối với con trẻ. Tuy nhiên, Livingstone cho rằng về lâu dài, các ứng dụng theo dõi có thể gây ra những hậu quả không mong muốn cũng như tổn hại, nhất là đối với mối quan hệ cha mẹ - con cái. Livingstone nhấn mạnh "điều quan trọng nhất đối với sự phát triển là đứa trẻ học cách tin tưởng cha mẹ và ngược lại". Một ứng dụng tìm ra vị trí của trẻ hoặc những gì chúng đang xem, đặc biệt là khi chúng không biết điều đó có thể làm giảm đi sự tin tưởng. Cũng như quyền được an toàn, trẻ em cũng có quyền riêng tư, đặc biệt là khi chúng lớn.
Một bài đăng gần đây trên trang subreddit Insane Father có nội dung: "Mẹ thấy tôi tắt vị trí trong Life360 và đe dọa sẽ khóa điện thoại của tôi hoặc không cho tôi lái xe nữa trong khi tôi đã 20 tuổi?". Một người khác trong subreddit Life360 nói: "Tôi thực sự ở nhà mọi lúc trừ khi tôi đến trường. Mẹ luôn đưa và đón tôi đi học, vậy tại sao bà ấy cần phải theo dõi vị trí của tôi khi tôi chỉ ở hai nơi? "
Song song đó, việc các ứng dụng thu thập một lượng dữ liệu cá nhân từ trẻ cũng là một điều đáng quan ngại. Một số ứng dụng cung cấp cho người dùng "toàn quyền kiểm soát và minh bạch" với thông tin đồng thời các cài đặt có thể được điều chỉnh tùy theo sở thích trong khi nhiều ứng dụng khá cởi mở về việc chia sẻ dữ liệu với những nơi như công ty bảo hiểm. Livingstone cho rằng các bậc cha mẹ cần phải suy nghĩ kỹ bởi không chỉ có những rủi ro trước mắt mà còn cách thức công nghệ có thể phát triển trong thập kỷ tới. Về mặt lý thuyết, dữ liệu thu thập được ở một đứa trẻ có thể được đưa vào một số "thuật toán" trong tương lai.