Mỹ: Tỷ lệ mắc ung thư ở thanh thiếu niên tăng 30% kể từ những năm 1970

Phương Thanh
05/12/2020 - 16:00
Mỹ: Tỷ lệ mắc ung thư ở thanh thiếu niên tăng 30% kể từ những năm 1970

Tỷ lệ mắc ung thư của thanh thiếu niên Mỹ gia tăng từ những năm 1970 đến nay. Ảnh minh họa

Theo các nhà nghiên cứu, số lượng thanh thiếu niên Mỹ mắc ung thư thận gia tăng cao nhất - tăng gấp 3 lần từ những năm 1970 đến nay. Ngoài ra, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và ung thư tinh hoàn phổ biến nhất ở nam giới.

Dựa trên số liệu từ Viện Ung thư Mỹ, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu khoảng 500 ngàn trường hợp mắc ung thư của người Mỹ độ tuổi từ 15 đến 39 trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 2015. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ mắc ung thư tăng khoảng 30% trong khoảng thời gian trích xuất dữ liệu trên. Kết quả nghiên cứu được đăng trên JAMA Network Open.

Nguyên nhân dẫn đến một số loại ung thư

Bàn về nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng thanh thiếu niên Mỹ mắc các bệnh ung thư, đồng tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Nicholas Zaorsky, Phó Giáo sư khoa Ung thư học bức xạ tại Viện Ung thư bang Penn (Mỹ) tiết lộ một số nguyên nhân bao gồm tình trạng gia tăng béo phì, chế độ ăn kiêng không hợp lý, tập thể dục không đủ và thường xuyên tiếp xúc với tia UV từ ánh mặt trời.

Ngoài ra, Tiến sĩ Archie Bleyer, Giáo sư nghiên cứu lâm sàng về y học bức xạ tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (Mỹ) đã thêm lạm dụng chất kích thích và hoạt động tình dục vào danh sách những nguyên nhân gây tăng tỷ lệ mắc ung thư ở thanh thiếu niên Mỹ. Đây là hai hành vi xuất hiện chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

"Những bệnh ung thư liên quan đến béo phì ở người lớn cũng thường gặp ở những người trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ mắc bệnh béo phì cũng đang gia tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, chụp CT, MRI, siêu âm,... ở thanh thiếu niên cũng đang gia tăng, từ đó khiến tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp. Theo Tiến sĩ Kim Miller, một nhà khoa học nghiên cứu giám sát của Hiệp hội Ung thư Mỹ, "Sử dụng các dịch vụ chẩn đoán quá mức là một trong những nguy cơ gây ra ung thư tuyến giáp".

Theo bà Miller, chế độ ăn uống và béo phì cũng có thể liên quan đến ung thư ruột và ung thư thận. Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư bao gồm: sự gia tăng nhiễm trùng HPV (một bệnh lây qua đường tình dục) có thể gây ra ung thư miệng hoặc ung thư trực tràng; sử dụng cần sa gây ra ung thư tinh hoàn; ảnh hưởng của tia UV gây ra khối u ác tính.

Mỹ: Tỷ lệ mắc ung thư ở thanh thiếu niên tăng 30% kể từ những năm 1970 - Ảnh 1.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Ảnh minh họa

Tỷ lệ mắc ung thư của thanh thiếu niên Mỹ đã và đang gia tăng

Trong thời gian nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện rằng những trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư tăng từ 57 lên 74 đối với mỗi 100 ngàn thanh thiếu niên Mỹ. Trong đó, ung thư tinh hoàn chiếm 19% các trường hợp bệnh ở nam giới, tiếp sau đó là ung thư hắc tố và ung thư hạch không Hodgkin (một nhóm các bệnh ung thư máu) với tỷ lệ mỗi loại chiếm khoảng 10%.

Đối với nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú chiếm khoảng 25%, sau đó là ung thư tuyến giáp (17%) và ung thư cổ tử cung (12%). Tiến sĩ Miller cho biết, mặc dù tỷ lệ mắc ung thư của thanh thiếu niên Mỹ tăng lên tương đối, nhưng xét về mặt tuyệt đối, ung thư vẫn khó xảy ra đối với người trẻ ở Mỹ.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Miller, tỷ lệ chiến thắng ung thư của nhóm tuổi thanh thiếu niên rất "tuyệt vời". Theo đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm mắc ung thư của thanh thiếu niên Mỹ tương đương với nhóm tuổi dưới 15 và tốt hơn nhóm tuổi người lớn.

"Phần lớn nguyên nhân là do thanh thiếu niên có khả năng chống chọi cao đối với ung thư tuyến giáp, các khối u ác tính và tế bào ung thư tinh hoàn. Đây đều là những loại ung thư hiện đang phổ biến ở giới trẻ tại Mỹ", bà Miller chia sẻ.

Tuy nhiên, nhóm tuổi thanh thiếu niên mắc các bệnh ung thư cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là khả năng sinh sản và những thách thức khác trong quản lý và điều trị bệnh như điều kiện học tập hoặc làm việc.



Nguồn: UPI
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm