Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện tại (chiều 1/11) ở Phú Quốc đã có gió nhẹ, xuất hiện ở một số nơi, mây xuất hiện ngày càng dày ở nhiều địa phương.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang đã có cuộc họp trực tuyến khẩn cấp, triển khai tình hình diễn biến áp thấp và bàn cách ứng phó đến các địa phương. Trong đó, xác định vùng ảnh hưởng nhiều nhất là Phú Quốc, Thổ Chu, Kiên Hải, An Minh.
Đến nay đã tiến hành kiểm tra các nơi trú tránh cho tàu thuyền, kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi khẩn trương về đất liền trú tránh. Đối với những tàu thuyền ở xa bờ không về kịp, sẽ thông báo cụ thể diễn biến, tọa độ của áp thấp để tàu thuyền chủ động né tránh.
“Hiện nay, công tác chỉ đạo ứng phó với áp thấp đã cơ bản hoàn tất. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang phối hợp các đơn vị trực hàng phút, hàng giờ để có thông báo kịp thời tình hình áp thời đến bà con ngư dân”, ông Tâm cho hay.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã thông báo, chỉ đạo cho người dân ở khu vực ven biển, nhất là ở khu vực đai rừng phòng hộ giữa huyện An Biên và An Minh, chằng chéo nhà cửa. Ngoài ra, đối với hộ có các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, nếu trong trường hợp phức tạp thì thì phải bỏ bè, tránh trường hợp nguy hiểm xảy ra.
Tại Cà Mau, vào sáng ngày 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã họp với các địa phương để triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Hiện tại, các đơn vị trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu đề nghị các đơn vị tích cực kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động gần bờ quay vào đất liền tìm nơi trú tránh an toàn. Đặc biệt, kể từ trưa ngày 1/11, cấm không cho người canh giữ đáy hàng khơi. Không cho tàu ra khơi kể từ 18 giờ chiều 1/11, thời điểm cho ra khơi hoạt động trở lại sẽ có thông báo sau. Học sinh mẫu giáo và tiểu học ở khu vực nguy hiểm cũng sẽ được nghỉ học vào sáng 2/11.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đời, lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda, năm 1997) tại xã Khánh Hội, huyện U Minh; thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cũng sẽ được dời sang ngày 3/11, thay vì ngày 2/11 như kế hoạch trước đó.
Tại Bạc Liêu, ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, vào chiều 1/11 nhiều nơi đã xuất hiện mưa nhỏ, mây đang vần vũ.
Hiện các ngành chức năng đang tiếp dõi tình hình về áp thấp để thông tin đến người dân. Đã chỉ đạo cho các đơn vị, trực 24/24. Đến nay đã liên hệ được 433 chiếc tàu ngoài khơi quay trở về đất liền tránh trú bão. Rà soát diện tích lúa và nuôi trồng thủy sản, kiểm tra cống đập để khi có mưa lớn thì không gây ra tình trạng úng ngập, thiệt hại kinh tế.
"Chúng tôi đã kiếm tra các công trình đang thi công ven biển, chỉ đạo các chủ đầu tư có biện pháp che chắn phù hợp. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, công an thường xuyên túc trực để khẩn trương ứng cứu”, ông Lân thông tin.
Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), chính quyền cũng đã có chỉ đạo đến các đơn vị, chủ động lên tất cả các phương áp để ứng phó với áp thấp nhiệt đới như kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào bờ, chằng chéo nhà cửa, di dời nhà dân… Hiện tại, chính quyền và người dân vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có kế hoạch ứng phó cụ thể.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các cơ quan chức nắng vẫn đang theo dõi diễn biến của áp thấp và có sẽ có tham mưu, chỉ đạo cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả nhất.