pnvnonline@phunuvietnam.vn
Năm đột phá của các nhà văn nữ châu Á
Nhà văn đoạt giải Nobel Han Kang trong vòng vây của truyền thông Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
"Hiện tượng" Han Kang sau khi đoạt giải Nobel văn chương
Nếu điểm danh các nữ tác giả tên tuổi năm qua, có lẽ người được nhắc tên đầu tiên là nhà văn Han Kang của Hàn Quốc. Đoạt giải Nobel ở tuổi 54, tên tuổi và tác phẩm của Han Kang đã trở thành một "hiện tượng" khắp xứ Kim chi. Theo thống kê của các sàn giao dịch trực tuyến, doanh số bán sách của nữ nhà văn này tăng gấp mấy chục lần sau khi bà đoạt giải Nobel. Có lẽ từ rất lâu rồi, ở đất nước có nền công nghiệp giải trí chớp nhoáng phát triển như Hàn Quốc mới lại có một hình ảnh đầy tính điện ảnh khi hàng dài người xếp hàng chờ mua sách của nữ nhà văn Han Kang. Ở nước ta, "cơn sốt" sách của nhà văn Han Kang lên cao khi các bản chuyển ngữ tác phẩm của bà cũng hết sạch trên các kênh mua hàng và các nhà xuất bản chớp thời cơ tái bản.
Không chỉ là tác phẩm của nữ nhà văn Han Kang mà tất cả những từ khóa liên quan đến chủ nhân giải Nobel văn chương 2024 trong năm qua đều được tìm kiếm và trở thành xu hướng: Từ ca khúc được bà yêu thích, các thần tượng Kpop chịu ảnh hưởng của tác phẩm Han Kang, rồi đời tư, gia đình của nữ nhà văn... "Hội chứng Han Kang" được đánh giá kích thích phong trào đọc sách đã lắng xuống bấy lâu nay ở xứ Kim chi. Hơn thế, các thư viện ở Hàn Quốc trở nên đông đúc do lượng người đổ về mượn sách của chủ nhân Nobel văn chương 2024.
Sau giải Nobel, nữ nhà văn Han Kang còn vinh dự nhận Giải thưởng Ho-Am về Nghệ thuật, Giải thưởng Sáng tạo Pony Chung. Ước tính giá trị các giải thưởng và bản quyền tác phẩm bán chạy sau khi đoạt giải Nobel đã mang lại cho nữ nhà văn Han Kang một con số thu nhập khổng lồ: 5 tỷ won (khoảng 91 tỷ đồng).
Tuy vậy, thành công của nữ nhà văn Han Kang và sức ảnh hưởng của "hội chứng" mang tên bà vài tháng gần đây không phải là một thành công mang tính ngẫu nhiên. Có thể khẳng định bà là một tác giả thành công, đã được công nhận ở tầm quốc gia, quốc tế. Ngược thời gian trở về nhiều năm về trước, nhà văn Han Kang từng được trao giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005) hay giải Văn học Dongri (2010). Năm 2016, "The Vegetarian" của Han Kang, qua bản dịch tiếng Anh của Deborah Smith, trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên giành giải Booker Quốc tế.
Tàn Tuyết và những đột phá trên văn đàn thế giới
Cùng trong danh sách đề cử giải Nobel văn chương 2024 với nhà văn Han Kang là nữ nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết. Nếu như Han Kang sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương, bản thân sớm thành công trong nghiệp viết, hiện tại là giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul thì Tàn Tuyết sinh ra trong một gia đình trí thức nhưng thất thế, bà chỉ học hết tiểu học, sớm phải mưu sinh bằng lao động chân tay, trở thành công nhân lắp máy.
Chính những năm tháng tuổi trẻ vất vả đã trở thành nguồn cảm hứng trong tác phẩm của Tàn Tuyết. Công bố tác phẩm đầu tay khá muộn khi đã ngoài 30 tuổi và đang là một thợ may, liền sau đó, nữ nhà văn đã viết và công bố liên tục 20 tác phẩm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập trung vào đề tài số phận phụ nữ, vấn đề nữ quyền. Nhà văn Mã Duyệt Nhiên - thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển - từng gọi Tàn Tuyết là "Kafka của Trung Quốc". Năm 2012, khi nhà văn Mạc Ngôn đoạt Nobel văn chương, ông nói rằng hy vọng Tàn Tuyết là người tiếp theo. Từ năm 2019, bà trở thành ứng viên tiềm năng của Nobel văn chương.
Tuy chưa từng được giải thưởng cao trong nước, song những tác phẩm mang tính tự do và sáng tạo, đậm chất triết học của nữ nhà văn Tàn Tuyết gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng văn chương thế giới. Bà từng đoạt giải thưởng "Sách dịch xuất sắc" của Mỹ và 2 lần vào danh sách rút gọn của giải Booker Quốc tế. 90 tác phẩm của Tàn Tuyết được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Thụy Điển, Italia, Việt Nam. Tiểu thuyết của Tàn Tuyết cũng được đưa vào giảng dạy ở nhiều đại học nổi tiếng như Harvard, Columbia (Mỹ), Tokyo, Kogakuin (Nhật Bản).
Dấu ấn nữ tác giả Việt
Văn đàn Việt năm 2024 có nhiều dấu ấn, trong đó phải kể đến sự khẳng định và vinh danh các nữ tác giả. Trước tiên là sự kiện nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải Văn học Đông Nam Á xuất sắc với truyện ngắn "Những biển", trong tập sách "Cố định một đám mây", phát hành năm 2018. Đây được xem là một vinh dự hoàn toàn xứng đáng với những gì Nguyễn Ngọc Tư đã cống hiến cho văn chương Việt Nam và khu vực những năm qua. Chưa chạm tuổi 50, chị đã là chủ nhân của Giải Văn học tuổi hai mươi, giải Văn học ASEAN (2008), có hàng loạt tác phẩm ăn khách như "Đảo", "Khói trời lộng lẫy", "Cánh đồng bất tận", "Gió lẻ", "Không ai qua sông", "Hành lý hư vô", một số cuốn được dịch sang tiếng Hàn, Anh, Đức và Thụy Điển. Trong hành trình văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, đáng nhắc tới nhất có lẽ là cuốn "Cánh đồng bất tận", một hiện tượng bestseller khi được bán trên 150 nghìn bản, được dàn dựng trên sân khấu, điện ảnh, được chuyển ngữ sang tiếng Đức và nổi tiếng trên đất nước này. Một số tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư cũng được chuyển thể thành phim, kịch và gặt hái nhiều giải thưởng.
Năm qua, cùng với tác phẩm "Thang máy Sài Gòn" của nhà văn Thuận, cuốn "Biên sử nước" của Nguyễn Ngọc Tư thắng giải PEN Translates - giải thưởng ra mắt vào năm 2012, do tổ chức phi chính phủ English PEN chủ trì, Hội đồng Nghệ thuật Anh tài trợ, khuyến khích các nhà xuất bản nước này phát hành sách từ ngôn ngữ khác, đồng thời hỗ trợ dịch tác phẩm sang tiếng Anh. Trong lịch sử 12 năm của giải thưởng này ghi nhận nhiều tác phẩm xuất hiện trong danh sách dài của giải thưởng Booker Quốc tế. Người chuyển thể sang tiếng Anh 2 tác phẩm của nhà văn Thuận và Nguyễn Ngọc Tư là nữ dịch giả Nguyễn An Lý, người Hà Nội, hiện sống tại TPHCM. Cô được ghi nhận là người chuyển ngữ 20 tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt, đồng sáng lập diễn đàn văn học phi lợi nhuận Zzz Review và là người Việt đầu tiên nhận giải Dịch thuật Quốc gia về Văn xuôi của Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ khi chuyển ngữ tác phẩm "Chinatown" của nhà văn Thuận từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Ngược về thời điểm tháng 5/2024, nhà văn Lý Lan được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn với tác phẩm thiếu nhi "Tự truyện một con heo" viết về cuộc phiêu lưu của một chú heo rừng trong lòng thành phố. Giải Dế mèn năm nay cũng trao giải "Khát vọng" cho các cây bút nữ như Lữ Mai, Lã Thanh Hà.
Mới đây, trong danh sách giải thưởng Sách Quốc gia, hàng loạt tác giả nữ được vinh danh. Đó là các tác giả Mộc An, Phạm Thị Kiều Ly, Nguyễn Thị Kim Hòa. Tác giả Phạm Thị Kiều Ly từng xuất sắc đoạt giải Phát hiện mới tại Giải Sách hay 2024...