Năm học mới không có học trò của những 'cô giáo quỳ xin dạy học' ở Nghệ An

07/09/2018 - 07:15
Trong khi cả nước tưng bừng khai giảng thì có một nơi các cô giáo lại đến trường chỉ để… nhìn nhau khóc. Đó là trường mầm non Tuổi thơ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - ngôi trường từng xôn xao dư luận cả nước khi các cô giáo quỳ xin cơ quan chức năng được tiếp tục dạy học cách đây gần 3 tháng.
img-1405.JPG
Dù trường đóng cửa hơn 2 tháng nay, nhưng giáo viên vẫn lặng lẽ đến chăm sóc vườn hoa cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, bồi dưỡng chuyên môn

 

Ngày khai giảng… nhìn nhau khóc

Dù các cô giáo đã quỳ nhưng trong tháng 6/2018 trường mầm non Tuổi Thơ vẫn bị UBND thị trấn Thanh Chương đóng cửa vì chưa hoàn thiện thủ tục. Trường được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và giáo dục Minh Sang đầu tư theo lời mời gọi của chính quyền huyện Thanh Chương vì hệ thống trường công trên địa bàn thị trấn đang quá tải.  

Cuộc họp của UBND tỉnh Nghệ An với UBND huyện Thanh Chương và Công ty Minh Sang sau sự việc này cũng kết luận 3 nội dung, đó là: Khẳng định Dự án đầu tư Trường Mầm non tư thục Tuổi thơ trên địa bàn huyện Thanh Chương theo Quyết định số 5619/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chấp thuận đầu tư Dự án Trường Mầm non tư thục trên địa bàn thị trấn Thanh Chương là hoàn toàn đúng về chủ trương khuyến khích phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục; phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, lỗi của chủ đầu tư ở đây là chưa hoàn thành thủ tục bàn giao đất, chuyển nhượng tài sản trên đất từ Trung tâm Hướng nghiệp - dạy nghề Thanh Chương mà đã triển khai xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục. 

Thực tế, việc trường mầm non Tuổi Thơ đóng cửa đã gây xáo trộn lớn trong đời sống của nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên. Trước thềm năm học mới, cả thị trấn Thanh Chương còn khoảng 200 học sinh mầm non không nơi tiếp nhận vì trường công của thị trấn đã quá tải. Nhiều phụ huynh buộc phải “chạy” trường hoặc gửi con vào trường mầm non thuộc các xã lân cận. Trong khi đó, trường mầm non Tuổi thơ - ngôi trường đẹp và hiện đại nhất huyện Thanh Chương lại cửa đóng then cài vì vướng “thủ tục”. Đây quả là sự lãng phí lớn.

 

Cô Trần Dung, giáo viên trường mầm non Tuổi Thơ tâm sự: “Hơn 2 tháng nay, dù trường đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn lặng lẽ đến chăm sóc vườn hoa cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, bồi dưỡng chuyên môn. Sân trường hoa vẫn khoe sắc, cửa lớp hằng ngày vẫn mở nhưng vắng bóng trẻ thơ. Chúng tôi vẫn hy vọng, ngày khai giảng, trường sẽ được mở của trở lại đón các em”. 

Sáng 5/9 - ngày khai giảng của cả nước - các cô giáo mầm non vẫn mặc đồng phục đến trường dù biết đến cũng chỉ để nhìn nhau rơi nước mắt. Cô giáo Lê Hoa chia sẻ: “Em là người đến trường sớm nhất. Nhìn cảnh trường vắng lặng đìu hiu trong khi trường cấp 3 Nguyễn Cảnh Chân bên cạnh rộn ràng khai giảng, dù không muốn khóc mà nước mắt vẫn rơi”. 

img-1404.JPG
Trong sáng 5/9, nhiều phụ huynh lại đưa các con đến thăm trường. Cô trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi. 

 

Cô giáo Lê Hoa đã làm bài thơ về “ngày khai giảng buồn đến tê lòng”, trong đó có những câu: “Ở nơi đây trường mầm non Tuổi thơ; Các cô vẫn đến trường trong ngày khai giảng; Nhưng chỉ có tiếng chim và gió thổi; Hòa với ánh mắt buồn khắc khoải xa xăm”.

 

Nỗi ám ảnh của những cô giáo

Mới đây, các giáo viên mầm non ở trường đã đồng loạt gửi  tâm thư lên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung thư viết:

“Chúng tôi - những người mà  gần đây báo chí đã đề cập đến với hàng loạt các bài báo như “Cô giáo mầm non quỳ xin trước Chủ tịch thị trấn xin được dạy học”, “Đừng để các thầy cô phải quỳ gối”… 

Chúng tôi không quên được ngày 12/6/2018 ấy! Một ngày sẽ ám ảnh cả cuộc đời những giáo viên mầm non còn rất trẻ như chúng tôi. Sáng ấy, ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương - sang trường khẳng định dứt khoát Cơ sở Mầm non Tuổi thơ phải tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục. Trong cuộc họp với ông Vinh, chúng tôi và cả Chủ tịch HĐQT của trường đều rơi nước mắt vì nhận thấy sự lạnh lùng sắt đá trong lời nói của ông Chủ tịch thị trấn. 

Quyết định của ông Chủ tịch thị trấn đồng nghĩa với việc chúng tôi phải nghỉ dạy, các cháu mầm non phải nghỉ học, cô trò đang hạnh phúc dưới mái trường Mầm non Tuổi thơ bỗng dưng đóng sầm lại. Như một tiếng sét giữa trời quang, chúng tôi như lặng người đi và nghẹn nghào trong nước mắt. 

Cả cô cả trò, cả các phụ huynh lẫn người dân đều ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Trong suốt cuộc họp kéo dài chúng tôi cũng đã khóc và xin mãi. Khi ông Chủ tịch thị trấn ra về, bước lên xe ô tô về, cảm xúc trong chúng tôi dâng trào không thể nào kìm nén được, chúng tôi khóc và bột phát quỳ gối xin để xin được tiếp tục dạy học. 

Giờ nhắc đến khoảnh khắc ấy, chúng tôi vẫn cảm giác đau đớn, nước mắt vẫn rơi! Chúng tôi biết hành động đó không phù hợp với hình ảnh người giáo viên, nhưng đã không làm chủ được cảm xúc của mình. Chúng tôi - những cô giáo mầm non mới mười chín đôi mươi, vừa được tạo cơ hội làm việc ở một ngôi trường mầm non khang trang hiện đại, tình cảm cô trò đang ngày càng yêu thương gắn bó, bỗng dưng phải chia lìa, buồn lắm, đau đớn lắm. 

Sau khi chúng tôi quỳ, có ý kiến cho rằng đó là sự dàn dựng! Công an huyện Thanh Chương đã vào cuộc, điều tra, xác minh cả tháng nhưng không thể kết luận có sự dàn dựng. Chúng tôi thực sự buồn vì những nghi ngờ dàn dựng đó, không ai đủ quyền lực để khiến những những cô giáo phải quỳ gối. Những giọt nước mắt của các cô giáo trẻ mầm non có thể bị coi là yếu đuối nhưng không thể nào “dàn dựng”. 

Nhưng thưa rằng: Tình cảm và những giọt nước mắt của chúng tôi hoàn toàn xuất phát từ trái tim của những cô giáo yêu nghề, yêu trẻ, đó là những giọt nước mắt của người trong cuộc. Chúng tôi khóc vì tiếng cười của trẻ thơ, vì niềm tin yêu của phụ huynh. Chẳng ai dàn dựng cho mình một kịch bản mà giờ nghĩ lại vẫn thấy đau buốt tận tâm can và ám ảnh cả một đời. 

Năm học mới sắp đến gần nhưng cánh của trường vẫn khép chặt. Lòng chúng tôi buồn nặng trĩu, vẫn thấp thỏm, vẫn đợi chờ, vẫn hy vọng vào ngày mai, ngày mai cánh cửa trường được mở ra chào đón các cháu. Thật cay đắng và xót xa khi biết năm học này, nhiều phụ huynh làm việc trên địa bàn thị trấn mà không có hộ khẩu thì con của họ không được đăng ký vào trường mầm non công lập thị trấn Thanh Chương. Trong khi đó trường Mầm non tư thục Tuổi thơ - ngôi trường đẹp nhất trên địa bàn huyện lại phải đóng cửa bỏ không và chúng tôi, những cô giáo tâm huyết với nghề sẽ có thể bị mất việc vô hình trung chúng tôi đã trở thành gánh nặng cho người thân. Bao nhiêu ước mơ, dự định, hy vọng còn dang dở. Tương lai của các cô sẽ đi về đâu?

 

Ở huyện miền núi này, tìm một công việc có lương trên dưới 3 triệu một tháng cũng rất khó khăn. Nhưng điều đó không quan trọng bằng niềm tin, tâm huyết của chúng tôi đang bị hủy hoại, bị đánh cắp, những em bé phải xa cô và sẽ cơ nhỡ đâu đó khi bố mẹ phải đi làm. Với thư này, chúng tôi mong mỏi các cấp, các ngành hãy lắng nghe và có những quyết định thấu tình đạt lý để trả lại cho các em quyền được học, trả lại cho chúng tôi quyền được đi dạy, trả lại cho nhà đầu tư sự công bằng cần có trong một xã hội pháp quyền, chứ không chỉ một vài dòng trên tờ A4 có thể tước đoạt quá nhiều thứ đi ngược với lương tâm và tinh thần Chính phủ kiến tạo. 

Mong sao các vị, xin đừng nhớ, đừng nhắc đến chúng tôi như những cô giáo quỳ, hãy lắng nghe chúng tôi và hãy nhớ đằng sau chúng tôi có rất nhiều đôi mắt trẻ thơ trong veo đang nhìn các vị”. 

Sau khi gửi tâm thư, ngày 28/8 Văn phòng Chính phủ đã phản hồi bằng công văn số 8097VPCP-KGCV, yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 5/9/2018 để “có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ”. 

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm