pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam Phi: Mất điện gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Ảnh minh họa: Unsplash
Giống như nhiều sinh viên đang ôn thi khác, Lindokuhle Mdlalose, 21 tuổi ở Nam Phi không thể ngủ vì phải học bài vào ban đêm do mất điện. Vì muốn giảm áp lực cho mạng lưới điện sau khi công nhân ở một số nhà máy sản xuất điện đình công, tình trạng mất điện ở Nam Phi đã diễn ra trong hơn hai năm và khiến các hộ gia đình phải chật vật sống trong bóng tối.
Chật vật học bài lúc nửa đêm vì mất điện
Một số người có thể xoay sở để chi trả cho dữ liệu Internet, máy phát điện và pin mặt trời, nhưng với nhiều người, tình trạng mất điện khiến việc học tập và kinh doanh của họ gặp nguy hiểm, và đặc biệt là làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số. Mdlalose, sinh viên học ngành sư phạm tại một trường đại học ở Johannesburg, cho biết: "Tôi thức dậy lúc nửa đêm, học trong hai giờ khi có điện, đi ngủ và sau đó đến trường".
Mặc dù được phép làm bài kiểm tra ở nhà, nhưng pin máy tính yếu khiến Mdlalose phải đến trường đại học để sử dụng máy phát điện tại trường. Mdlalose cho biết cô cũng phải mua thêm gói dữ liệu và thức ăn làm sẵn. Với tình trạng lạm phát cao, gia đình Mdlalose rất căng thẳng.
Các nhà kinh tế địa phương ước tính rằng tình trạng mất điện đang khiến tổng GDP của nước này tiêu tốn 4 tỷ rand (232 triệu USD) mỗi ngày. Theo Ngân hàng Thế giới, Nam Phi là quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới, thể hiện rõ ràng trong khoảng cách kỹ thuật số giữa những người có thể tiếp cận công nghệ và Internet so với những người không thể.
Trước tình trạng triển vọng việc làm và giáo dục gặp rủi ro, các chuyên gia công nghệ đang kêu gọi có các gói dữ liệu hợp lý hơn để đảm bảo người dân Nam Phi có thể truy cập Internet và vượt qua cuộc khủng hoảng điện năng. Phumzile Van Damme, cựu thành viên quốc hội Nam Phi, cho biết: "Những đợt mất điện này đang kéo dài chu kỳ nghèo đói ở Nam Phi. Nó khiến cuộc sống của đại đa số người dân Nam Phi trở nên vô cùng khó khăn. Nhiều người không thể học tập cũng như không thể tìm việc làm".
Cuộc sống khó khăn do mất điện
Ở thị trấn Soweto của Johannesburg, Ntombikayise Setyila, một phụ nữ 44 tuổi, phải mang theo máy tính xách tay đến nhà bạn bè có điện để làm việc. Do tỷ lệ tội phạm của thành phố cao, Setyila lo lắng cho an toàn của mình. "Tôi sống trong một cộng đồng mà tất cả mọi người đều đói, nếu họ nhìn thấy tôi với một chiếc máy tính xách tay, họ có thể đánh cắp nó để có tiền mua thức ăn", người phụ nữ nói.
Để tránh nguy hiểm, Setyila di chuyển bằng Uber thay vì phương tiện công cộng. Điều này khiến cô tiêu tốn thêm khoản tiền 2,000 rand (hơn 2,8 triệu đồng) mỗi tháng. "Người nghèo ngày càng nghèo và người giàu ngày càng giàu", bà mẹ này cho biết.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuần trước cho biết ưu tiên của chính phủ là "ổn định hệ thống điện" thông qua giải quyết các cuộc đình công lao động, tăng cường thực thi pháp luật và đầu tư vào các giải pháp thay thế năng lượng sạch. Trong khi đó, Mdlalose cho biết việc mất điện đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các học sinh nghèo, nhiều em bị gián đoạn giữa kỳ thi khi pin máy tính hết mà không thể sạc. Cô nói: "Họ thiệt thòi hơn những sinh viên có thể trả thêm dữ liệu hoặc có máy phát điện".
Khả năng truy cập Internet hạn chế
Trong thời gian phong tỏa do COVID-19, một số trường đại học Nam Phi đã cung cấp cho sinh viên gói dữ liệu để học tập ở nhà. Tuy nhiên hiện tại, những sinh viên như Mdlalose cho rằng các gói dữ liệu này là cần thiết hơn bao giờ hết vì Wi-Fi cũng bị ngắt khi mất điện.
Van Damme, một người ủng hộ quyền kỹ thuật số, cho rằng thị trường viễn thông cần nhiều cạnh tranh hơn để giá các gói dữ liệu giảm xuống. Người dân Nam Phi phải trả tới 85 rand (khoảng 120.000 đồng) cho mỗi GB dữ liệu, chi phí tương đương với gần 4 giờ làm việc đối với những người có mức lương tối thiểu. Con số đó ở Bắc Phi là khoảng 1,53 USD (khoảng 35.000 đồng) trên 1 GB và ở Tây Âu là 2,47 USD (khoảng 58.000 đồng), theo tổ chức từ thiện Ichikowitz Family Foundation.
Các nhà nghiên cứu cho biết, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chi phí dữ liệu cao ở châu Phi là cơ sở hạ tầng kém và việc kiểm soát yếu từ phía những nhà khai thác viễn thông. Khảo sát Thanh niên Châu Phi gần đây của Ichikowitz cho thấy trong khi 71% thanh niên Châu Phi coi Wi-Fi là quyền cơ bản của con người, thì cứ 8 người mới có một người có thể truy cập Wi-Fi bất cứ lúc nào. Van Damme cho biết, việc thiếu tiếp cận với Internet đang làm dấy lên cơn giận dữ trên lục địa. Kể từ năm 2016, các cuộc biểu tình #datamustfall (giá dữ liệu phải giảm) đã nổi lên. "Tức giận và thất vọng đang ngày càng gia tăng. Cộng đồng muốn có các giải pháp ngay bây giờ", Van Damme nói.