Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"

Nhật An
10/02/2024 - 06:18
Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được trưng bày tại lễ chuyển giao, ngày 16/11/2023 - Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Trong không gian được bài trí sang trọng, của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (ở Bắc Ninh), nơi lưu giữ, trưng bày ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Chúng tôi được chủ nhân của bảo tàng, ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội cổ vật Bắc Ninh, chia sẻ về hành trình hồi hương của kim bảo quan trọng của triều Nguyễn này.
"Châu về Hợp phố" sau gần 8 thập kỉ lưu lạc

Cách đây 1 năm, nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão 2023, ông Nguyễn Thế Hồng đã đàm phán thành công mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" từ nhà đấu giá Alexandre Millon với số tiền 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng Việt Nam). 

Là người trực tiếp đàm phán nhưng ông Hồng chỉ nhận mình là "người kết nối và đại diện hợp pháp của Việt Nam để cùng Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành nỗ lực đưa được báu vật hồi hương".

Hành trình hơn 1 năm thương thảo, đàm phán, thực hiện các thủ tục đưa ấn vàng về nước là một quá trình gian nan. 

Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"- Ảnh 1.

Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam

"Thú thật, nhiều lúc khó khăn, tôi cũng nản nhưng sâu thẳm trong ý niệm tâm linh, như có một sự thôi thúc kỳ lạ, rằng nhất định, bằng mọi cách phải rước được bảo vật về nước. Cuối cùng, chúng tôi cũng đưa được bảo vật trở về Việt Nam vào trung tuần tháng 11/2023. 

Không thể tả nổi niềm tự hào khi ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương góp phần bổ sung các bảo vật nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa dân tộc", ông Hồng chia sẻ.

Để rước ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước, từ nhiều tháng trước đó, ông Hồng đã nghiên cứu, lên ý tưởng và tham khảo ý kiến các chuyên gia để thiết kế không gian trưng bày xứng tầm quốc bảo. Việc bày ấn vàng ở giữa phù điêu Hoàng đế Minh Mạng và tượng Bác là thể hiện sự tiếp nối thời đại trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"- Ảnh 2.

Bản phiến lục của Bộ Lại về việc xin dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” đóng lên 6 đạo ân chiếu phát giao các tỉnh Nam kì

Ngược dòng 200 năm…

Theo ghi chép trong bộ chính sử "Đại Nam thực lục" (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) và bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Nội các triều Nguyễn biên soạn), ngay sau khi lập nước, Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long đã định ra nhiều chính sách mới như: Đặt Quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước.

Đến đời vua Minh Mệnh, song song với việc cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa, địa giới hành chính cả nước, ông cho chế tác và hoàn thiện các loại bảo tỷ, ấn triện mới, trong đó có ấn vàng Hoàng đế chi bảo. 

Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"- Ảnh 3.

Vợ chồng ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, với ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Theo lời dụ Vua ban, lý do cho đúc ấn vàng này là bởi: "Công dụng của quốc bảo là để tuyên bố mệnh lệnh phải tin, bảo rõ lời dạy phải làm, là đồ vật rất trọng mà điển lễ rất lớn. Bản triều ta lúc mới đại định, Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta dựng đặt pháp chế, trăm việc mới cả, lần lượt sắc xuống dùng vàng tốt đúc "Chế cáo chi bảo", "Quốc gia chi bảo", "Sắc chính vạn dân chi bảo", "Thảo tội an dân chi bảo", "Ngự tiền chi bảo", "Mạnh đức chi bảo" từ trước đến nay đã từng thi hành, nhưng chỉ là lúc mới bắt đầu làm, chưa kịp 10 phần đầy đủ.

Trẫm được nối ngôi lớn, may gặp lúc bình yên, rất nghĩ muốn làm rạng thêm quy mô trước, để rõ ràng cho sau này, cũng đã từng dùng vàng tốt đúc thêm 1 quả "Hoàng đế chi bảo". Như vậy, theo ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được ra đời vào tháng 2 năm Quý Mùi (1823), tính đến nay đã được 200 năm tuổi.

Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"- Ảnh 4.

Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế)

"Đại Nam thực lục" chép: "Ngày Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu thư, sắc dụ đều đóng ấn ấy".

Sau khi đúc xong, ấn Hoàng đế chi bảo được dùng đóng trên các đạo chiếu, dụ ban thưởng, ân xá và sắc thư cho ngoại quốc. Châu bản ngày mồng 6 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Bộ Hộ cho biết, Bộ đã xin đóng ấn Hoàng đế chi bảo lên đạo dụ về việc miễn giảm thuế cho thành Gia Định. Cuối năm đó, vua ban dụ cho thưởng yến và tiền nhân Tết Nguyên đán.

Theo quy định, trên bản dụ ban thưởng đó được đóng dấu Hoàng đế chi bảo để khẳng định sự tín thực của dụ vua ban. Trong bản kê ngày 20 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Bộ Hộ nêu rõ, việc chờ đóng dấu Hoàng đế chi bảo vào đạo dụ ban yến, thưởng bạc. 

Năm Thìn nói chuyện kim ấn "Hoàng đế chi bảo"- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thế Hồng, chủ nhân của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, nơi lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hoá

Tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), nhà vua quy định rõ về việc dùng ấn Hoàng đế chi bảo trong những trường hợp: "gặp khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo, dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc thì đóng ấn Hoàng đế chi bảo".

 Tuân theo đó, ngày 17 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), Bộ Lễ xin "kính dùng dấu Hoàng đế chi bảo đóng vào 1 đạo dụ cho quốc vương Cao Miên".

Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), Vua ban ân chiếu cho các đạo Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Các đạo ân chiếu này cần được đóng dấu mới có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, ngày 13 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), Bộ Lại làm phiến lục xin "dùng ấn Hoàng đế chi bảo đóng lên 6 đạo ân chiếu phát giao các tỉnh Nam kì".

Ấn "Hoàng đế chi bảo" giữ một vai trò quan trọng. Trên các đạo chiếu, dụ, cáo ban ra được đóng dấu chính là sự tín thực để hiệu lệnh ban bố được thực hiện. Vì vậy, mỗi khi nhà vua xuất cung, ấn thường được mang theo để sử dụng khi cần thiết. 

Mùa hạ năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), ấn Hoàng đế chi tỉ khắc xong. Vì vậy, việc sử dụng ấn "Hoàng đế chi bảo" được quy định lại. "Đại Nam thực lục" chép: "Trước đây, phàm gặp việc cho đại xá, hoặc đàm ân, cáo dụ các bậc thân huân, huấn dụ quan lại khi đi tuần thú xem xét địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều đóng ấn Hoàng đế chi bảo; đến đây mới đổi: phàm gặp khi đổi niên hiệu, ban đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc tỉ, còn các việc từ cáo dụ thân huân trở xuống vẫn đóng ấn kim bảo".

Kể từ năm Canh Tý (1840) trở đi, sau khi Vua Minh Mệnh băng hà, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" vẫn luôn được triều đình nhà Nguyễn giữ gìn như một báu vật. Đặc biệt, kim bảo này còn gánh vác một sứ mệnh lớn khi được chọn là vật tượng trưng trong việc chuyển giao lịch sử nước nhà.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn "Hoàng đế chi bảo", cùng thanh bảo kiếm bàn giao cho chính quyền Cách mạng. Năm 1952, hai bảo vật này rơi vào tay người Pháp.

Đến tháng 3/1952, người Pháp đã trao lại ấn, kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại qua Thái hậu Đoan Huy và Thứ phi Mộng Điệp vì Bảo Đại đang ở Pháp. Năm 1953, bộ ấn kiếm được đưa sang Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương và Thái tử Bảo Long cất giữ. Sau nhiều biến cố, kim ấn Hoàng đế chi bảo lại trở về với cựu hoàng Bảo Đại.

Trước khi qua đời, Bảo Đại đã để lại tài sản, trong đó có kim ấn này cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Năm 2021, bà Monique Baudot qua đời, những người được thừa kế đã ủy quyền cho hãng Millon đưa ra bán đấu giá vào cuối năm 2022.

(Bài viết có sử dụng nguồn tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, IV) 

 ẢNH: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA, TTXVN, THẢO MIÊN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm