Nạn bạo hành phụ nữ, xâm hại trẻ em khiến cử tri bức xúc

21/10/2019 - 16:18
Hơn 3.500 ý kiến của cử tri cả nước gửi về thông qua các Đoàn ĐBQH phản ánh nhiều bức xúc vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó nổi cộm là vấn nạn bạo hành phụ nữ, xâm hại trẻ em vẫn nhức nhối. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là điều khiến cử tri lo lắng

Quyết liệt hơn với nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em

Báo cáo trước Quốc hội về ý kiến cử tri và nhân dân, Chủ tịch MTTQVN Trần Thanh Mẫn cho hay, nhiều vấn đề xã hội vẫn đang khiến cử tri bức xúc, lo lắng, dù lực lượng công an đã chủ động vào cuộc, tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Theo đó tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn báo cáo trước Quốc hội về kiến nghị của cử tri. Ảnh: Quochoi.vn 

Đặc biệt, tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong Nhân dân; tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

“Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội” – ông Mẫn cho biết.

Một vấn đề xã hội nổi lên là các sai phạm xảy ra trong triển khai các dự án khu đô thị, chung cư khiến việc tranh chấp về quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư tại nhiều khu đô thị, chung cư kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và uy tín của cơ quan, chính quyền các cấp .

“Đề nghị các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ có liên quan đến sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng nơi có công trình, dự án sai phạm. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý nhà chung cư, khắc phục những bất cập, bảo đảm công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chủ đầu tư” – ông Trần Thanh Mẫn nêu.

Bất an trước ô nhiễm không khí

Một vấn đề lớn nổi lên trong thời gian qua được cử tri cả nước quan tâm phản ánh, theo ông Trần Thanh Mẫn là mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM gây nguy hại đến sức khỏe Nhân dân.

Trong khi đó, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang khiến cử tri và nhân dân bất an 

Đoàn chủ tịch MTTQVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để Nhân dân chủ động phòng tránh. 

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, theo Chủ tịch MTTQVN Trần Thanh Mẫn, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật đất đai” – ông Mẫn đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm