Ghét bỏ chính mình vì từng bị lạm dụng
Được truyền cảm hứng từ một bài báo trên trang The Guardian, đầu năm nay, Erin Delaney quyết định tiết lộ bí mật mà cô ấy giấu kín từ rất lâu. Đó là khi còn nhỏ, cô từng bị xâm hại về thể xác, lẫn tinh thần và bị bỏ bê nghiêm trọng bởi chính cha mẹ của mình. Điều này khiến Delaney luôn có cảm giác như mình có 2 phiên bản khác nhau tồn tại song song: Một con người luôn giữ kín bí mật và một con người với tính cách hời hợt. Khi tiết lộ quá khứ, Delaney đã nói: “Tôi muốn nghe giọng nói thật của mình vì nó đã im lặng suốt 36 năm”.
Delaney từng cố chia sẻ chuyện mình bị xâm hại cho một người bạn nhưng đổi lại chỉ là những lời trách mắng. Đến năm 18 tuổi, cô từng cố tự tử, nhưng bất thành. Tất cả điều đó đã đẩy cô trở vào vỏ bọc hời hợt của mình suốt nhiều năm.
Sau khi mạnh rạn chia sẻ quá khứ của mình, nhiều người cùng cảnh ngộ đã nhắn tin riêng với Delaney để chia sẻ bí mật từng bị lạm dụng của họ. “Những tin nhắn riêng đó khiến tôi rất đau lòng. Họ quá sợ hãi để chia sẻ công khai bí mật của mình”, Delaney chia sẻ.
Một nạn nhân từng bị lạm dụng khác là Sydneysider (36 tuổi) cũng có chia sẻ tương tự: “Tôi không bao giờ cảm thấy an toàn và chưa bao giờ cảm thấy có chỗ dựa. Tôi lớn lên với tâm lý ghét bỏ chính bản thân mình và nghĩ rằng chính mình đã gây ra điều đó và xứng đáng hứng chịu điều đó”.
Sydneysider còn liên tục tự vấn liệu bản thân cô có bị mất hết bạn bè khi họ biết cô từng bị lạm dụng. “Tôi biết điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người nghĩ về tôi và tôi rất sợ hãi”, cô thừa nhận, “Tôi bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình và tin rằng sẽ chẳng có ai quan tâm, rằng ai đó có thể sử dụng điều đó để chống lại tôi”.
Kelly Humphries (37 tuổi), một cảnh sát cấp cao ở bang Queensland, Úc, từng đến trình báo cảnh sát về việc cô bị chính chú của mình xâm hại tình dục năm 19 tuổi. Nhưng phải đến khi 30 tuổi, cô mới dám tiết lộ công khai điều này.
Theo Humphries, cần có một hệ thống hỗ trợ và thực hành chăm sóc bản thân tốt khi chia sẻ những thông tin về lạm dụng. “Bạn không nên nói với tất cả mọi người, nhưng bạn nên nói với những người quan trọng nhất với bạn. Họ sẽ không thể hỗ trợ bạn, nếu họ không biết chuyện gì đã xảy ra”, Humphries nói.
Xã hội không muốn nghe về lạm dụng
Tiến sĩ Cathy Kezelman - Chủ tịch của Tổ chức Blue Knot (một tổ chức quốc gia giúp người trưởng thành phục hồi sau chấn thương thời thơ ấu của Úc) cho biết: “Trung bình, những người bị lạm dụng thường mất 24 năm để tiết lộ việc họ bị lạm dụng. Có một số người không bao giờ nói ra. Đường dây trợ giúp của Blue Knot đã nhận được nhiều cuộc gọi từ những người tiết lộ lần đầu tiên bị lạm dụng của họ từ những năm 70, 80 và 90”.
Theo bà Cathy Kezelman, đang tồn tại một xã hội không muốn nghe về lạm dụng. Chúng tôi đã thấy rất nhiều người từng cố gắng chia sẻ về việc họ từng bị lạm dụng khi còn nhỏ nhưng nhiều người trong số họ đã bị trừng phạt hoặc không có ai tin lời họ và câu chuyện của họ bị gạt đi.
Một sự thật nữa được tiến sĩ Kezelman chia sẻ, đó là nhiều nạn nhân bị lạm dụng phải mất một thời gian dài để nhận ra những gì đã xảy ra với họ là lạm dụng. Họ thường bị lạm dụng bởi chính những người chăm sóc họ. Một vài người không nhớ đến việc bị lạm dụng hoặc chỉ nhớ một phần nào đó.
Mellita Bate, một người quản lý và cố vấn của Tổ chức Interrelate, chia sẻ lý do mà mọi người thường chọn cách giữ kín bí mật mình từng bị lạm dụng là do bản chất tự nhiên của trẻ em là tự trách mình. Một nguyên do khác nữa chính là việc tiết lộ làm sống dậy nỗi đau bị lạm dụng, mà bản chất của con người khi đối phó với chấn thương là giữ kín nó.
Định kiến về giới trong vấn nạn lạm dụng
Tồn tại một thực tế là, nếu bạn là nam, việc tiết lộ quá khứ từng bị lạm dụng tình dục càng khó khăn hơn.
Một bài báo năm 2014 của Trường Luật Sydney cho thấy, nam giới ít có khả năng tiết lộ việc mình từng bị lạm dụng tình dục tại thời điểm xảy ra sự việc và mất nhiều thời gian hơn để tiết lộ điều này, đồng thời tiết lộ ít hơn và có chọn lọc hơn.
Ông Craig Hughes-Cashmore - Giám đốc điều hành của Tổ chức phi lợi nhuận Survivors and Mates Survivors Network, một người đàn ông từng bị đồng nghiệp của cha mình lạm dụng tình dục, chia sẻ định kiến đáng suy ngẫm về giới: “Phụ nữ là nạn nhân và đàn ông là thủ phạm. Đàn ông không khóc. Đàn ông không tìm sự giúp đỡ”.
Ông còn cho biết mình từng chứng kiến những người đàn ông bị phân biệt đối xử khi sếp của họ biết họ là một người từng bị lạm dụng.
Sự sợ hãi và nhầm lẫn về xu hướng tình dục càng khiến đàn ông trở nên im lặng trước quá khứ bị lạm dụng. “Phần lớn thủ phạm lạm dụng tình dục là nam giới, vì vậy nếu bạn là một cậu bé và bị lạm dụng tình dục bởi một người đồng tính và bạn có một phản ứng vật lý, bạn sẽ trở nên rất bối rối về xu hướng tình dục của mình”, ông Hughes-Cashmore giải thích.
Từ trải nghiệm của mình, ông Hughes-Cashmore tiết lộ: “Chúng tôi (những người từng bị lạm dụng tình dục) không trải qua điều mà những đứa trẻ khác thích thú khám phá như nụ hôn đầu. Chúng tôi từ chối những thứ đó. Tôi nghĩ điều đó thực sự rất tệ nếu trải nghiệm đầu tiên của bạn, như của tôi, là bị hãm hiếp”.
Ngoài việc bị ảnh hưởng đến sự phát triển xu hướng tình dục tự nhiên, việc lạm dụng tình dục còn ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và cảm xúc. Việc từng bị lạm dụng khiến nạn nhân rơi vào trạng thái báo động liên tục và luôn cảnh giác cao độ với người và việc xảy ra xung quanh mình.
Nghiêm trọng hơn theo ông Hughes-Cashmore, việc nhầm lẫn tình dục còn có thể biến nạn nhân thành “kẻ săn mồi tình dục”.
Tin tưởng cũng là một vấn đề lớn với những người từng bị lạm dụng, vì những kẻ lạm dụng thường là người mà nạn nhân từng kính trọng và ngưỡng mộ.
Anh Adam Savage (40 tuổi, đến từ Newcastle) là một nạn nhân nam đã dám lên tiếng về bí mật từng bị lạm dụng. Anh đã bị 2 thiếu niên lớn tuổi và một linh mục Công giáo lạm dụng tình dục. Mãi đến năm 37 tuổi, anh mới đủ dũng cảm để tiết lộ điều đó. Savage giữ bí mật việc mình từng bị lạm dụng do sợ bị chối bỏ, mặc cảm, xấu hổ, sợ hãi và thiếu tin tưởng.
Anh Savage chia sẻ: “Tôi tin giao tiếp là chìa khóa tốt nhất để giải quyết mọi tổn thương. 3 người đã đánh cắp sức mạnh của tôi và đã đến lúc tôi lấy lại sức mạnh của mình. Đây là một hành trình dài, rất nhiều khó khăn, nhiều nước mắt, cùng như suy nghĩ nội tâm. Tôi có thể thành thật ngồi đây ngay bây giờ và nói rằng, tôi yêu bản thân mình vì chính con người tôi”.