Nâng cao chất lượng công tác nữ công, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ

Thu Hà
30/11/2023 - 21:38
Nâng cao chất lượng công tác nữ công, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn số 7. Ảnh: Phạm Diệp

Chiều 30/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Diễn đàn chuyên đề số 7 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ và công tác xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh".

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Hồng Vân chủ trì diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cùng đại diện lãnh đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và 10 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn và định hướng thảo luận tại diễn đàn, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động áp dụng đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ. 

Các cấp Công đoàn đã thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động; tham gia thương lượng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật, quan tâm đến các chính sách thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con cái, triển khai có hiệu quả các mô hình "Sức khỏe của bạn", "Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc", "Lễ cưới tập thể", "Trại hè cho con công nhân lao động"…

Một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới được các cấp Công đoàn tích cực xây dụng như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 105/NĐ-CP ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (trong đó có chính sách dành cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp); chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, giai đoạn 2021 - 2030, chính sách dân số và phát triển. 

Đối với công tác xây dựng gia đình, các cấp Công đoàn đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa... 

Nhiều hoạt động thiết thực về công tác gia đình được tổ chức thường niên, nhất là vào các dịp Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia, góp phần không nhỏ lan tỏa những nét đẹp của gia đình Việt, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình nói chung, gia đình CNVCLĐ nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Với mong muốn làm rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò của Ban Nữ công Công đoàn trong công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn về công tác nữ công được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng và những vấn đề đặt ra đối với công tác nữ công tình hình mới; Giải pháp nâng cao vai trò của Ban Nữ công trong đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ; Kinh nghiệm trong đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hỗ trợ nữ đoàn viên, người lao động về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy mô hình "sức khỏe của bạn"; Vai trò của Ban Nữ công trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Vai trò của ban nữ công công đoàn trong đổi mới nội dung, hoạt động và giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Những hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo cho con CNLĐ, tạo sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, còn có nội dung về bảo vệ việc làm cho lao động nữ và triển khai lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ trong hoạt động nữ công công đoàn... Chúng tôi hy vọng rằng, diễn đàn sẽ là kênh thông tin hữu ích để hệ thống công đoàn các cấp có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ cùng nhau những cách làm hay, những nội dung mới về hoạt động nữ công từ tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí, những cán bộ công đoàn tận tụy, sáng tạo và đầy nhiệt huyết đại diện cho cán bộ công đoàn của các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, với gần 70% lao động nữ làm việc trong ngành dệt may, các cấp công đoàn đã tổ chức rất nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống cũng như kịp thời khen thưởng động viên tới các lao động nữ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai các hoạt động, còn nhiều lao động nữ chưa hiểu hết tầm quan trọng của các phong trào, thiếu thông tin về nội dung thi đua, cách thức đăng kí tiêu chí xét thưởng. Nhiều doanh nghiệp cũng như công đoàn cơ sở còn chưa thực sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới; công tác cán bộ nữ vẫn chưa thực sự được quan tâm khi tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý còn rất thấp so với số lượng và chất lượng nữ công nhân, viên chức, lao động trong ngành. 

Nâng cao chất lượng công tác nữ công, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ- Ảnh 1.

Công đoàn Dệt May Việt Nam kiến nghị Tổng Liên đoàn xây dựng và tổ chức giải thưởng riêng dành cho lao động nữ cấp Tổng liên đoàn. Ảnh: VGP

Bởi vậy, Công đoàn Dệt May Việt Nam kiến nghị Tổng Liên đoàn xây dựng và tổ chức giải thưởng riêng dành cho lao động nữ cấp Tổng liên đoàn, trong đó chú trọng đối tượng lao động nữ sản xuất trực tiếp; đồng thời phát hiện và tổ chức biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến đối với lao động nữ có thành tích trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" cấp Tổng Liên đoàn để tạo động lực cho các chị em phấn đấu hơn nữa trong sự nghệp. 

Còn tại tỉnh Bến Tre, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và Tỉnh ủy về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp - phối hợp đồng bộ với các ngành, các đơn vị, các tổ chức, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tập trung chăm lo với nhiều hình thức phù hợp thiết thực cho con công nhân, lao động tại nơi làm việc, góp phần tích cực vào việc ổn định việc làm, đời sống của người lao động, thúc đẩy tốt quan hệ lao động, ổn định kinh doanh, sản xuất. 

Hiện nay tại Bến Tre có 02 khu công nghiệp và các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với lực lượng công nhân, lao động gần 60 nghìn người; thời gian tới sẽ có thêm 01 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động, theo đó số lượng lao động sẽ tăng lên kéo theo sự gia tăng của các gia đình công nhân lao động, trong đó có lao động di cư. Vì vậy, yêu cầu về chăm sóc, giáo dục bảo vệ con CNVCLĐ cũng đặt ra nhiều thách thức mới đòi hỏi các cấp công đoàn phải có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, từ đó ổn định cuộc sống gia đình cho người lao động. 

Để công tác chăm lo trẻ em trong thời gian tới được đầy đủ và tốt hơn, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre đề xuất cần ban hành Đề án chuyên đề về hỗ trợ lao động nữ cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học hành của con CNVCLĐ, đặc biệt tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó có các chương trình, hoạt động triển khai nhằm hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần triển khai phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn các cấp về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em; cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội khác trong các khu công nghiệp, trong các doanh nghiệp có đông công nhân, lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có chất lượng và hiệu quả.

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành. Thông qua diễn đàn này, hệ thống công đoàn các cấp có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ cùng nhau những cách làm hay, những nội dung mới về hoạt động nữ công từ tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí, những cán bộ công đoàn tận tụy, sáng tạo và đầy nhiệt huyết đại diện cho cán bộ công đoàn của các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, diễn đàn số 7 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ và công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" nhằm điểm lại những kết quả nổi bật của hoạt động nữ công công đoàn đã triển khai trong thời gian qua đồng thời tìm ra những giải pháp khả thi để hoạt động nữ công công đoàn có những bước phát triển phù hợp với tình hình trong nhiệm kỳ mới, giúp cho lao động nữ ngày càng ổn định đời sống, việc làm, có thời gian chăm lo cho gia đình, con cái, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển của địa phương, ngành cũng như của quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm