Nâng cao chất lượng tín dụng từ ngân hàng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số

12/08/2018 - 12:09
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết các chương trình từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vùng dân tộc thiểu số đạt doanh số cho vay hơn 3 ngàn tỷ đồng.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ, thiếu vốn sản xuất nên hộ chị Đồng Thị Đoài, ở thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo (Ba Bể - Bắc Kạn) luôn túng thiếu, quay quắt trong cái nghèo. Năm 2015, chị được Hội LHPN nữ xã tín chấp vay 43 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Có đồng vốn trong tay, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua lợn nái về chăn nuôi. Chị còn được Hội Phụ nữ hỗ trợ về kiến thức, ứng dụng KHKT.

Năm vừa qua, gia đình chị đã có đàn lợn gần 60 con. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp gia đình chị thoát nghèo, sửa sang nhà cửa khang trang và sắm sửa các vật dụng sinh hoạt. Chị Đoài cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cấp Hội địa phương và vốn vay NHCSXH đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống, đồng vốn từ NHCSXH không lớn nhưng đã giúp gia đình tôi lúc khó khăn”.

Chị Hà Thị Việt, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Giáo, cho biết: Nguồn vốn là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, cấp Hội cơ sở chủ động, tập trung triển khai việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn, quán triệt hội viên thực hiện trách nhiệm vay trả theo quy định.

Đồng thời, Hội duy trì sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng tháng, đôn đốc thu lãi, thu nợ gốc vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích. Bên cạnh đó, hội đã chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động uỷ thác và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro.

vay-von-ngan-hang-chinh-sach.jpg
Hơn 3.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách cho hộ gia đình dân tộc thiểu số vay sản xuất, kinh doanh

 

Theo NHCSXH Việt Nam, đến nay, tính trên cả nước có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 43.376 tỷ đồng (chiếm 24,4%/tổng dư nợ của NHCSXH), dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 29 triệu đồng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Đến ngày 31/3/2018, các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đạt doanh số cho vay là hơn 3 ngàn tỷ đồng. Tổng dư nợ là hơn 2 ngàn tỷ đồng, với hơn 201 ngàn hộ có dư nợ. Nhưng nợ quá hạn là 90,2 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 4,2%

Tuy nhiên, hoạt động cho vay vốn vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; cụ thể như mức cho vay tối đa từng chương trình nhìn chung còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với cơ sở cấp xã đôi lúc còn gặp khó khăn do hàng năm hộ nghèo vẫn phát sinh tăng - giảm theo tiêu chí mới. Ngoài ra, còn một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả hoặc có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không chịu làm ăn và trả nợ…

Ông Bùi Sỹ Lợi kiến nghị giải pháp thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS, trong đó đề xuất cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp; lưu ý đến việc tiêu thụ sản phẩm cho hộ dân để giải quyết một phần vấn đề “ly nông bất ly hương” để đồng bào yên tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Đặc biệt, theo ông Bùi Sỹ Lợi, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của Hội cấp dưới, nhất là nhiệm vụ của Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó tập trung kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp cùng với NHCSXH trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng nhận ủy thác, đào tạo tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi quản lý vốn vay, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở cơ sở.

Đến quý I/2018, các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt doanh số cho vay 3.094 tỷ đồng; Doanh số thu nợ: 942 tỷ đồng; Xóa nợ 29 tỷ đồng; Tổng dư nợ đạt 2.122 tỷ đồng, với 201.017 hộ còn dư nợ. Trong đó: Nợ quá hạn là 90,2 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 4,2%.

Nguồn vốn tín dụng phục vụ đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2005 - 2016 đã giảm từ 22% xuống còn 8,38%, năm 2017 còn 6,8%.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm