Nâng cao đời sống cho người dân, đẩy lùi cây chứa chất ma túy ở miền Tây xứ Nghệ

Châu Khang
30/10/2023 - 10:06
Nâng cao đời sống cho người dân, đẩy lùi cây chứa chất ma túy ở miền Tây xứ Nghệ

Trao sinh kế cho người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

Từng bước nâng cao đời sống cho người dân, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống cây có chứa chất ma túy nên các huyện miền Tây Nghệ An - nơi từng là điểm nóng về trồng cây anh túc - hiện đã không còn trồng loại cây này nữa.

Huyện Kỳ Sơn từng là "thủ phủ" thuốc phiện ở miền Tây Nghệ An nhưng cây thuốc phiện nơi đây đã được xóa hết từ lâu. Dù không còn cây thuốc phiện nhưng các cấp Hội phụ nữ cũng như các ban, ngành trên địa bàn vẫn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của cây độc dược này.

Trong những năm qua, nhiều sinh kế phù hợp đã được đưa đến với người dân, đặc biệt người dân ở vùng khó như cung cấp con giống, cây giống. Hội LHPN thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như mới đây, hơn 20 phụ nữ và trẻ em gái tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các cấp hội cơ sở tới động viên, thăm hỏi và trao tặng nhiều món quà ý nghĩa.

Nói về cây thuốc phiện, huyện Quế Phong cũng từng là điểm nóng, trong đó nổi bật là xã Tri Lễ. Xã biên giới này có đường biên giới dài 18,530 Km, có 16 thôn bản và 4 dân tộc cùng sinh sống gồm Thái, Dân Mông, Khơ Mú, Kinh, trong đó có 5 bản là địa bàn cư trú của người dân tộc Mông sống sát biên giới.

Mấy chục năm trước, huyện Quế Phong nói chung và xã Tri Lễ từng là "vựa" thuốc phiện. Cây "chết người" này từng ăn sâu, bám rễ trên mảnh đất nghèo kéo theo nhiều người nghiện hút, xóm bản tiêu điều. Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cấm, chính quyền địa phương quyết liệt xóa bỏ nhưng cũng phải đến năm 2012, xã Tri Lễ mới chấm dứt hẳn trồng cây thuốc phiện.

Tuy nhiên, để người dân không tái trồng cây thuốc phiện và giảm tỷ lệ nghiện hút cũng như buôn bán chất cấm này, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên phối hợp với bội đội biên phòng, công an và các đoàn thể… tuyên truyền đến từng thôn bản. Đồng thời, giúp người dân về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, từ đó nâng cao đời sống.

Hiện nay, nhận thức của người dân trên xã biên giới này đã thay đổi rất nhiều, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện không còn. Nhờ sự hỗ trợ các tiến bộ khoa học, cây giống, con giống nên nhưng địa danh từng một thời "nổi tiếng" về trồng cây thuốc phiện như Huổi Mới, Huối Xái giờ là bạt ngàn đào và lúa, cây có chứa chất ma túy đã thực sự bị "xóa sổ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm