pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ
Việt Nam là quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam. Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và cả tương lai.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, các nước ngày càng quan tâm tới biển. Việc phát triển kinh tế biển trở thành xu thế tất yếu trên con đường tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn cho loài người trong tương lai.
Tại tọa đàm "Ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ - thực trạng và giải pháp" do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng tổ chức, ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.
Mặc dù trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ; tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức như tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách.
Đáng lo ngại, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế; đồng thời chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng".
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển
"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái, bảo vệ môi trường chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển; công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay", ông Đoàn Trường Giang thông tin thêm.
Mặc dù công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó có vấn đề đáng quan tâm là chất lượng nước biển, nhất là khu vực biển ven bờ và vấn đề rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển.
Ông Đoàn Trường Giang nhấn mạnh: Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương, của tài nguyên, môi trường biển và kinh tế biển. Truyền thông hiệu quả sẽ tác động thay đổi nhận thức, hành vi tích cực, từ đó tạo được hiệu ứng mạnh lan tỏa, tác động tới các cấp, ngành, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp trên cả nước nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, góp phần củng cố được niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, thế hệ trẻ, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước đối với Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Phóng sự: Giải pháp nào ngăn chặn ô nhiễm môi trường vùng ven biển