Nàng dâu đón Tết: Người háo hức, kẻ mất ăn mất ngủ

22/01/2017 - 11:22
Có nàng dâu cho rằng 'lễ lạt như chuyến tàu chạy qua phố huyện, chỉ làm vui thêm những ngày Tết', trong khi có người lại ăn không ngon, ngủ không yên vì điều này.

Chị Nguyễn Thanh Xuân đang làm kinh doanh cho một công ty nước ngoài, ở Q.Đống Đa (Hà Nội), là người nổi tiếng tháo vát, song cứ nói đến chuyện làm dâu ngày Tết là chị lại thốt lên: "Tôi phải chăm lo 5 ban thờ đủ ngũ quả lục lễ, cả 2 bên nội ngoại là 10. Ngoài ra, mỗi ngày Tết là 2 mâm đủ "8 bát, 8 đĩa" cúng tổ tiên. Mệt mà tôi vẫn phải cố, cố một cách vui vẻ, triền miên hàng chục năm nay…”.

Rất giỏi giang, thành đạt, chị Thu Nga, Quản lý chi nhánh Ngân hàng, nhà ở Q.Tây Hồ (Hà Nội), là người nhanh nhẹn, hiện đại, song cũng phải thở dài: “Tết năm nào cũng làm náo loạn hết cuộc sống thường ngày của nhà tôi. Sợ nhất là các cuộc thăm viếng, chào hỏi triền miên và di chuyển liên tục khắp họ hàng nội, ngoại 2 bên, anh em, bạn bè xa gần”.

Khác với chị Xuân và chị Nga, chị Thu Hằng, giảng viên 1 trường đại học ở Hà Nội, lại tươi tắn khoe: “Tết với tôi và gia đình luôn là một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Gia đình chồng toàn người tháo vát, vì vậy ngay từ khi tôi mới về làm dâu, tôi thật thà thỏ thẻ với mẹ chồng: "Mẹ à, con vụng dại chẳng biết làm gì, cần gì mẹ cứ bảo con nhé!”.

Chị Đào Thu Hằng: "Tết với tôi là kỳ nghỉ tuyệt vời nhất, đơn giản vì gia đình tôi không bày vẽ trong lễ Tết".

Chị Thu Hằng chiêm nghiệm: "Với một người làm dâu cũng vào dạng đảm đang trung bình như tôi, lại là dâu ở xa quê, nên mỗi dịp cả vợ chồng, con cái kéo nhau về quê chồng ăn Tết luôn vui vầy, sum họp, là mong đợi của cả gia đình. Vậy nên, Tết nhất, lễ lạt với tôi như chuyến tàu chạy qua phố huyện, chỉ làm vui thêm những ngày Tết ở quê nhà”.

“Phong tục tổ tiên vẫn phải giữ gìn, như thờ cúng ông bà thành kính nhưng không bày vẽ. Tết đến, tôi được ngủ nướng, nghe nhạc, đi chơi thăm hỏi họ hàng đúng nghĩa một kỳ nghỉ Tết. Thậm chí, nếu có công việc cần thiết của cơ quan, tôi vẫn làm việc như ngày không có Tết”, chị Hằng tâm sự.

Thiết nghĩ, ăn một cái Tết hiện đại, chú trọng du xuân như nhà chị Hằng, hay một cái Tết truyền thống nổi lửa nấu bánh chưng, khiến con trẻ mê đắm như nhiều miền quê khác đều có những thú vui riêng. Trong mỗi gia đình, chỉ cần có tình cảm chan hoà, ấm áp của mỗi thành viên dành cho nhau, chúng ta vẫn cảm nhận được gốc rễ của hương vị Tết ở mỗi nếp nhà. Đó là khi cả gia đình cùng chung vui đón một kỳ nghỉ Tết sum vầy, ấm áp.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm