Tuần trước, mẹ chồng điện thoại cho Phương trong giờ làm việc nói là có việc cần tâm sự ngay lập tức. Quen chiều mẹ chồng vả lại biết tính bà không phải là người thích làm phiền người khác, cô vội xin phép trưởng phòng và ra quán nước gần cơ quan.
Mẹ chồng đã đợi sẵn ở đó. Vẻ mặt căng thẳng, bà độp luôn vào vấn đề chính, cho cô biết bấy lâu bà đã âm thầm thuê xe ôm theo dõi và biết rằng bố chồng cô đang có “phòng nhì” ở ngoại thành Hà Nội. Mẹ chồng và Phương vốn thân nhau chẳng khác gì mẹ đẻ và con gái nên bà cũng không cần giữ ý. Phương không thể quên giọng bà rít lên: “Từ khi thấy ông ấy thỉnh thoảng đi về, xe máy dắt đầy rơm mẹ đã nghi nghi. Chụp ảnh gì mà lần nào cũng rơm với rạ bám đầy vào xe như thế ?”. Chả là từ hồi về hưu, bố chồng Phương nảy ra cái thú đi chụp ảnh. Câu lạc bộ ảnh nghiệp dư nơi ông sinh hoạt hàng tháng đều tổ chức những chuyến đi thực tế xa xa.
Chiều lòng mẹ chồng, Phương tự nguyện làm xe ôm chở bà đi bất cứ lúc nào bà yêu cầu. Có lần gần giờ ngủ trưa, nghe điện thoại của mẹ chồng, cô lại tất tả phi xe về nhà. Vài lần như vậy, cô quyết định không mang cơm đi ăn trưa nữa mà về nhà ăn trưa, nếu mẹ chồng có nhu cầu là chở bà đi luôn. Hai mẹ con bám theo “ông nhiếp ảnh” rất dễ dàng vì đã biết trước địa chỉ. Duy chỉ có điều đến nơi thì ông chui tọt vào căn nhà 2 tầng có giàn hoa giấy trổ bông rực rỡ và ở lì đến xẩm tối mới ra về. Những hôm như vậy, mẹ chồng như biến thành một người khác. Bữa cơm gia đình kém hẳn, không còn những món xào nấu hấp dẫn như trước.
1 tuần làm thám tử của hai mẹ con chẳng đem lại kết quả gì. Phương sốt ruột quá bèn bàn với mẹ chồng: “Hay là mẹ con mình thử chụp ảnh căn nhà đó, gửi email cho bố xem sao?”. Mẹ chồng cho là phải.
“Mưu” như vậy, song Phương thấy ngài ngại nếu gửi cho bố chồng từ địa chỉ email của mình. Cô lập một địa chỉ mới và gửi mấy tấm ảnh chụp các góc độ căn nhà có giàn hoa giấy đó.
Mấy ngày sau, hai mẹ con đều hồi hộp theo dõi thái độ của bố. Song chẳng thấy điều gì khác thường. Mẹ chồng Phương dần khó giữ nổi bình tĩnh, mấy lần bàn với Phương “hay là hôm nào đưa thẳng xấp ảnh cho ông ấy, rồi hỏi ra nhẽ”. Phương vội cản mẹ. Thâm tâm cô nghĩ, dù ông có vợ bé con mọn thì vẫn chỉ ở trong vòng bí mật. Bị dồn vào thế phải lựa chọn, biết đâu ông lại khước từ gia đình hiện tại. Lúc đó chắc chắn mẹ chồng sẽ sốc nặng. Không khí gia đình chắc chắn sẽ u ám.
Nghĩ mãi, cô đành đánh bạo hỏi ông, trong một lần nhà chỉ có hai bố con: “Bố ơi, gần đây bố có check mail không ạ?”. Bố chồng chăm chú nhìn Phương: “À, hóa ra đó là mail con gửi. Bố chịu không đoán nổi là ai đấy”. “Dạ, con… con…”, Phương lúng túng. “Thế con có biết đó là nhà của ai không?”. Con mà biết thì đâu phải email cho bố, Phương nghĩ thầm như vậy nhưng bề ngoài cô chỉ nở nụ cười lễ phép.
“Vì sao con biết căn nhà đó, với bố không quan trọng. Nhưng con đã mail cho bố thì chắc hẳn con có lý do. Con có biết đó là căn nhà của người bạn học ngày xưa, không, chính xác là mối tình đầu của bố. Khi bố đi học nước ngoài thì cô ấy đi bộ đội. Về nước, bặt tin nhau, bố lấy mẹ con trong khi cô ấy vẫn cứ sống trong chờ đợi và hy vọng. Cuối cùng, cô ấy không lấy chồng. Năm ngoái, tình cờ bố gặp lại cô ấy trong một cuộc họp lớp. Cô ấy sống kham khổ cùng 1 đứa con gái nuôi tật nguyền nên trông già hơn tuổi. Cô ấy cũng giữ ý không liên lạc đều. Nhưng gần đây, cô ấy trở bệnh nặng nên có đề nghị thỉnh thoảng bố đến thăm. Hoàn cảnh cô ấy đáng thương lắm con ạ”.
Phương hơi lặng người trước tình huống không lường tới. Cô chẳng muốn nghĩ sâu hơn, rằng có phải bố chồng cô “tình cũ không rủ cũng tới” hay không. Cô còn bận suy nghĩ xem sẽ lựa lời nói như thế nào để mẹ chồng từ bỏ “điệp vụ” này. Cô không đủ lý lẽ thuyết phục bà nên quyết định điện thoại hỏi Thanh Tâm.
Nghe câu chuyện, Thanh Tâm cũng xúc động lặng người. Hóa ra trên đời này có những điều thuộc về tình người còn đẹp hơn cả những giấc mơ. Nhưng mẹ chồng Phương có quyền được chia sẻ giấc mơ đó, đừng biến đều đẹp đẽ trở thành tội đồ.